(VnMedia) - Trong một động thái nhằm “tuyệt giao” với truyền thống bao đời nay gắn liền với Liên Xô và Nga, Ukraine đã từ bỏ cái tên Xô-viết đặt cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II và hướng tới dùng hoa anh túc - một biểu tượng thời chiến của Anh, để kỷ niệm 70 năm ngày giành chiến thắng phát xít Đức.
Ảnh minh họa |
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã kêu gọi người dân nước này đeo hoa anh túc, thay vì ruy băng, trong lễ kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức vào tháng 5 tới diễn ra ở thủ đô Kiev và các thành phố khác. Ông này miêu tả hoa anh túc là “biểu tượng chiến thắng của Châu Âu”. Bước đi này được thực hiện trong bối cảnh chính phủ Kiev đang xây dựng chương trình đưa Ukraine hội nhập vào Châu Âu sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych hồi tháng 2 năm ngoái.
"Hãy để Liên bang Nga đeo tất cả những dải ruy băng khác. Họ tự cho mình đã giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II”, ông Yatseniuk said.
Phát biểu trên của ông Yatseniuk đã cho thấy rõ ông này ủng hộ đề xuất từ bỏ cái tên Cuộc Chiến tranh Yêu nước Vĩ đại mà Liên Xô đặt ra cho cuộc chiến nhằm chống lại phát xít Đức mà phương Tây thường gọi là Chiến tranh Thế giới thứ II hoặc là Thế chiến II.
Hoa anh túc ban đầu chủ yếu được sử dụng ở Anh và trong các nhóm cựu chiến binh là đồng minh của Liên hiệp Anh như Canada, Australia và New Zealand để tôn vinh những người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh 1914-18.
Tuy nhiên, việc sử dụng hoa anh túc trong Ngày Tưởng niệm – 11/11 (Ngày tưởng nhớ những người thiệt mạng trong thế chiến I) đã được mở rộng để tưởng niệm những binh sĩ thiệt mạng trong tất cả các cuộc xung đột từ năm 1914, trong đó có Chiến tranh Thế giới thứ II.
Động thái trên là một phần của những thay đổi lớn hơn mà giới lãnh đạo thân phương Tây của Kiev đang thực hiện nhằm xóa bỏ những thứ liên quan đến Xô-viết và nước Nga sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cuộc xung đột ở miền đông khiến hơn 6.000 người thiệt mạng.
Những đài tưởng niệm dành cho nhà sáng lập ra đất nước Liên Xô và cũng là người anh hùng vĩ đại của thế giới - Vladimir Lenin đang bị kéo đổ hoặc phá hoại ở Ukraine. Cùng với đó, những tên đường thời Liên Xô được đặt ra để ca ngợi những người anh hùng Xô-viết cũng đã bị thay đổi ở nhiều khu vực của Ukraine.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã ký quyết định về những thay đổi trên. Điều này đánh dấu những nỗ lực của Kiev nhằm kéo nước này ngày càng xa rời Nga, “tuyệt giao” với những lễ kỷ niệm kiểu Xô-viết của Moscow diễn ra vào ngày 9/5 tới. Động thái của Kiev diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra ở miền đông.
Trong một hành động khác nhằm xóa bỏ quá khứ gắn bó với Xô-viết, chính quyền Kiev còn sắp xếp lịch sao cho giống với các đồng minh Châu Âu bằng cách lần đầu tiên cho thêm ngày 8 tháng 5 vào ngày lễ của quốc gia. Ngày 8/5 được biết đến ở phương Tây như Ngày Chiến thắng.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh ấn định ngày 8/5 là ngày hòa giải giữa những người Ukraine chỉ chiến đấu chống lại phát xít Đức với những người sau chiến tranh chống lại Liên Xô.
Ukraine sau đó cũng kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 với một lễ diễu binh riêng tại thủ đô Kiev và nhiều thành phố lớn khác.
Kiev đã thông báo kế hoạch thực hiện một chiến dịch an ninh toàn diện với sự tham gia của hàng chục ngàn cảnh sát trên khắp Ukraine để bảo vệ các lễ kỷ niệm của họ trước lực lượng ly khai.
Kiev cùng với các đồng minh phương Tây đang tẩy chay lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít Đức ở Moscow vì cáo buộc Nga đứng đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine và cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Moscow kiên quyết bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên. Rất nhiều lần Moscow đã yêu cầu và thậm chí thách phương Tây cũng như Kiev đưa ra được những bằng chứng xác thực để chứng minh Nga có vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, đến nay, chưa có bằng chứng thuyết phục nào được đưa ra.
"Lớp băng mỏng manh"
Trong lúc này, ở miền đông Ukraine, một thỏa thuận ngừng bắn mong manh được ký kết và thực thi từ hồi tháng 2 vẫn đang được duy trì mặc dù quân đội Kiev cho biết tình hình vẫn rất căng thẳng ở khu vực gần với thành phố cảng chiến lược Mariupol nằm trên bờ Biển Azov.
Một máy bay trực thăng quân sự Mi-8 của Nga đã thực hiện một cuộc xuất kích từ Crimea – bán đảo xinh đẹp mà Nga sáp nhập hồi năm ngoái. Chiếc trực thăng này sau đó đã quay trở lại bán đảo Crimea, một phát ngôn viên quân sự cho hay.
Ông Alexander Hug – Phó Chỉ huy phái đoàn giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) ở Ukraine, đã nhận định rằng, tình hình tương đối yên ắng ở khu vực dọc “đường tiếp xúc” kéo dài 500km giữa các phe đối địch nhau ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, ông Hug cũng thêm rằng, vẫn có “những điểm nóng” đặc biệt ở Shyrokyne – một khu vực nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng ly khai ở phía đông Mariupol và những khu vực gần sân bay chiến lược của thành phố Donetsk. Lực lượng ly khai miền đông đã giành lại quyền kiểm soát sân bay nói trên hồi đầu năm nay.
"Sự yên ắng hiện nay nằm trên một lớp băng rất mỏng", ông Hug cho biết.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc