Đồng minh Mỹ khiến Nga "tá hỏa"?

11:29, 22/04/2015
|

(VnMedia) - Ba Lan vừa cho biết đã chọn được nhà cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho nước này. Theo Bộ Quốc phòng Ba Lan, đó là công ty Raytheon, đơn vị chế tạo hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
 
Dự án thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Ba Lan có tên gọi là Wisla, bao gồm 8 khẩu đội phòng không tầm trung. Mỗi khẩu đội sẽ được trang bị tên lửa PAC-3 MSE và GEM-T. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ba Lan không đề cập tới các tính năng của chúng.
 
Việc ký kết hợp đồng dự kiến sẽ được tiến hành trong năm 2016. Sau 3 năm ký kết, nhà cung cấp sẽ phải bàn giao ít nhất 2 khẩu đội cho Ba Lan và chúng sẽ được “trình làng” trong khoảng từ năm 2022-2015.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, dự án Wisla sẽ tiêu tốn của Warsaw khoảng tiền khoảng 2,8-3,4 tỷ USD.
 
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc quân đội Ba Lan quyết định mua các hệ thống tên lửa Patriot có thể sẽ khiến cho Nga quan ngại.  
 
Ngoài ra, quân đội Ba Lan cũng cho biết họ đã chọn các máy bay trực thăng đa năng EC-725 Caracal của Hãng chế tạo máy bay Airbus để tiến hành thử nghiệm thêm, bỏ qua những lời chào hàng từ các hãng Sikorsky và AgustaWestland của Mỹ.
 
Bộ Quốc phòng Ba Lan ngày 21/4/2015 cho biết chính phủ nước này đã thông qua đề xuất của quân đội về việc đặt mua các hệ thống tên lửa Patriot do Hãng Raytheon của Mỹ chế tạo.
 
Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cho biết Vacsava sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán với Washington nhằm hoàn tất thương vụ tên lửa phòng không có trị giá khoảng 5 tỷ USD này.
 
Việc quân đội Ba Lan quyết định mua các hệ thống tên lửa Patriot có thể sẽ khiến cho Nga quan ngại. Nếu Ba Lan lựa chọn tên lửa Patriot, thì có nghĩa là nhiều binh lính Mỹ nữa sẽ được triển khai trên lãnh thổ của quốc gia đông Âu này.
 
Ba Lan đã gia tăng mạnh chi phí quốc phòng trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó có các kế hoạch đầu tư mua sắm các hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa, tàu ngầm, trực thăng và máy bay không người lái mới.
 
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai một khẩu đội tên lửa Patriot tới Ba Lan để tham gia một cuộc diễn tập chung.
 
Theo đó, Quân đội Mỹ và Ba Lan đã tiến hành một cuộc diễn tập vào cuối tháng này với sự tham gia của một khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ và Lữ đoàn Tên lửa phòng không Warsaw số 3 của Ba Lan.
 
“Cuộc diễn tập này là một phần của Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương (Operation Atlantic Resolve) nhằm trấn an các đồng minh và đối tác châu Âu về quyết tâm của Washington đối với việc ổn định tình hình Đông Âu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp", ông Warren, Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết thêm.
 
Vẫn theo đại tá Warren, khẩu đội tên lửa phòng không Patriot được triển khai cùng khoảng 100 binh lính Mỹ và 30 phương tiện cơ giới để tham gia cuộc tập trận này.
 
MIM-104 Patriot là tên đầy đủ của hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng - Patriot. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.
 
Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 - 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/h.
 
Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc bắt và nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.
 
Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất. Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện.
 
Những thế hệ tên lửa dẫn đường của Patriot đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời với những mục đích sử dụng cũng được thay thế. Thế hệ mới nhất của các tên lửa dẫn đường là PAC-3, với nhiều cải tiến về kĩ thuật cũng như hình dáng để đối phó với các tên lửa chiến thuật và máy bay ngày càng hiện đại, tinh vi hơn.
 
Cha đẻ của Patriot là các công ty Raytheon, Lockheed Martin và Fire Control có trụ sở tại Massachusetts và Florida, Mỹ. Hiện nay hệ thống tên lửa hiện đại này không chỉ được sử dụng trong Không quân Mỹ mà còn một số nước đồng minh khác như Ai Cập, Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản, Hà Lan, Arab Saudi…


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc