"Nga tấn công Baltics là tự sát"

10:35, 22/04/2015
|

(VnMedia) - Nga không thể phát động một cuộc tấn công quân sự vào Baltics bởi vì Tổng thống Vladimir Putin "không muốn tự sát", Tổng thống Czech - ông Milos Zeman hôm qua (21/4) đã nói như vậy.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania đã từng nằm dưới sự điều hành, quản lý của Moscow trong gần 5 thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Hiện giờ, dưới sự tuyên truyền của phương Tây về cái gọi là mối đe doạ từ Nga, các nước Baltic tỏ ra đặc biệt lo ngại về nước láng giềng khổng lồ của mình kể từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Latvia và Estonia, giống như miền đông Ukraine, có những cộng đồng người nói tiếng Nga rất lớn.
 
"Tôi không nghĩ rằng Nga có thể khởi động một cuộc chiến tranh bằng việc tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào của NATO. Bởi vì chắc chắn ông Vladimir Putin không muốn tự sát và ông ấy biết rõ hậu quả của việc đó”, ông Zeman cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP.
 
"Tôi chắc rằng, trong trường hợp như vậy, phản ứng đáp trả thích đáng sẽ không chỉ diễn ra trên mặt trận chính trị, kinh tế mà cả quân sự", Tổng thống Czech nói thêm.
 
Ông Zeman phản đối các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow vì cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Czech cho rằng phương Tây nên dần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt “nếu như Nga không tiến vào đất của Ukraine bởi tôi thấy rằng những đòn trừng phạt đó là phản tác dụng giống như trường hợp của Cuba".
 
Tổng thống Zeman cũng cho rằng, Nga sẽ chẳng được lợi gì về kinh tế khi sáp nhập miền dông Ukraine. "Tôi cho rằng, Nga hài lòng với việc sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ việc Nga có thể xâm lược miền đông Ukraine, bởi đơn giản khu vực đó đã bị tàn phá bởi cuộc nội chiến và Moscow sẽ phải nuôi hàng triệu con người. Năng lực kinh tế của Nga chưa đủ để làm được điều đó", ông Zeman nói thêm.
 
Tổng thống Zeman gần đây rơi vào một cuộc tranh cãi công khai với Đại sứ Mỹ tại Prague sau khi ông này chỉ trích chuyến đi dự kiện của ông Zeman đến Moscow để tham dự lễ diễu binh quân sự kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II. Ông Zeman cáo buộc Đại sứ Mỹ Andrew Schapiro phá vỡ nghi thức, thông lệ ngoại giao, và tuyên bố ông Schapiro không còn được hoan nghênh tại Cung điện Prague – trụ sở của Tổng thống.
 
"Công ước Vienna (về quan hệ ngoại giao) nghiêm cấm đại sứ của các nước can thiệp vào công việc nội bộ của nước chủ nhà. Ông Schapiro hoặc không hiểu điều đó hoặc cố tình vi phạm công ước. Điều đó cho thấy ông ấy không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp", ông Zeman cho hay.
 
Sau những chỉ trích từ Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka và các chính khách hàng đầu của Czech, Tổng thống Zeman thông báo ông sẽ đến Moscow để vinh danh các chiến sĩ Xô-viết đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II nhưng sẽ không tham dự lễ diễu binh.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát, giới chức phương Tây và các đồng minh Baltic luôn rêu rao nói về khả năng Nga sẽ tiếp tục tấn công, xâm lược và chiếm đóng các nước láng giềng xung quanh.
 
Nga và phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng. Điều đó khiến cho các nước láng giềng xung quanh cuống cuồng kêu gọi NATO đưa quân và vũ khí vào nước họ. Những nước này đồng thời cũng tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa Nga. Một số nước láng giềng xung quanh Nga thậm chí còn coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu.
 
Và dựa trên cái cớ về mối đe doạ mang tên Nga, NATO đang ra sức đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan và các nước Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, quân đội Mỹ vừa tham gia một cuộc tập trận ở một trong những quốc gia Baltic. Quân đội Mỹ đã tham gia cùng với các binh lính Estonia trong cuộc tập trận mang tên “Bão Táp” của NATO ngay trước khi diễn ra đợt diễn tập quân sự lớn nhất trong lịch sử Estonia – cuộc tập trận Siil.
 
"Hôm thứ Hai (20/4), gần 2.000 binh lính Sư đoàn Bộ binh Số 1 thuộc Lực lượng Phòng vệ Estonia cùng các sư đoàn nhảy dù của Mỹ đã khai màn cuộc tập trận Bão táp kéo dài trong 5 ngày. Cuộc tập trận sẽ chứng tỏ mức độ sẵn sàng của các lực lượng để tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn hơn - Siil", Bộ Tổng tham mưu thuộc Lực lượng Phòng vệ Estonia cho biết trong một tuyên bố.
 
Cuộc tập trận Siil với sự tham gia của 13.000 binh lính sẽ được khai hoả vào đầu tháng Năm.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc