(VnMedia) - Lực lượng thuộc nhóm Cánh Hữu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan của Ukraine hôm qua (29/4) đã kéo đến bao vây dinh Tổng thống Petro Poroshenko và dọa sẽ đốt cháy trụi biểu tượng của chính quyền Kiev này. Vậy nguyên nhân từ đâu mà nhóm Cánh Hữu lại quay lưng với Kiev sau khi đã ủng hộ mạnh mẽ cho cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych và cuộc chiến chống lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine?
Nhóm Cánh Hữu bao vây dinh tổng thống |
Cuộc đối đầu giữa nhóm Cánh Hữu và giới chức cầm quyền ở Kiev liên quan đến vị thế của đơn vị quân sự thuộc nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã leo lên đỉnh điểm vào ngày hôm qua. Nhóm Cánh Hữu đã kéo đến bao vây, biểu tình ở khu vực gần trụ sở chính quyền của Tổng thống Poroshenko. Tình hình căng thẳng đến mức phát ngôn viên của nhóm Cánh Hữu - ông Artyom Skoropadsky tung ra lời đe dọa sẽ “đốt cháy trụi” dinh Tổng thống nếu chính quyền tiếp tục tấn công nhóm của họ.
Trước đó, hôm 28/4, các đơn vị quân đội Ukraine đã xông vào bao vây căn cứ của Quân đoàn Tình nguyện thuộc nhóm Cánh Hữu được dựng lên từ hồi năm ngoái. Căn cứ này nằm ở khu vực biên giới giữa hai vùng Dnipropetrovsk và Donetsk. Lực lượng Kiev được cho là đã tìm cách tước vũ khí của đội quân của nhóm Cánh Hữu. Giới chức Kiev từ lâu đã yêu cầu Quân đoàn Tình nguyện của nhóm Cánh Hữu hoặc phải tự giải giáp hoặc là gia nhập vào quân đội Kiev.
Đại diện của phong trào Cánh Hữu theo đường lối cực đoan đã lên kế hoạch bao vây trụ sở chính quyền của Tổng thống Poroshenko ở trung tâm thủ đô Kiev vào chiều ngày hôm qua, hãng thông tấn RIA Novosti cho biết.
"Nhóm Cánh Hữu thông báo, theo nguồn tin đáng tin cậy, giới chức Kiev đang chuẩn bị thực hiện một hành động khiêu khích quy mô lớn nhằm vào các đơn vị tình nguyện. Vì thế, để ngăn chặn những chiến dịch như vậy, chúng tôi sẽ tụ tập gần văn phòng của tổng thống vào 12 giờ trưa theo giờ địa phương”, thông điệp của nhóm Cánh Hữu đã viết như vậy.
Đề cập đến vụ việc trên, lãnh đạo nhóm Cánh Hữu cũng là cố vấn của Tham mưu trưởng quân đội – ông Dmytro Yarosh nói rằng, giới lãnh đạo quân sự và chính trị đã quyết định cố tình khiêu khích, châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa các thành phần theo đường lối chủ nghĩa dân tộc với quân đội nhằm làm mất uy tín của các đơn vị tình nguyện.
"Với tư cách là một nghị sĩ, tôi sẽ yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra toàn diện. Trách nhiệm về hành động khiêu khích cực kỳ thâm hiểm này và nỗ lực nhằm chia rẽ giữa lực lượng quân đội với các chiến binh của nhóm Cánh Hữu nằm ở chính giới lãnh đạo chính trị và quân sự”, ông Yarosh cho hay.
Chính phủ Kiev luôn khăng khăng đòi đưa tất cả các đơn vị tình nguyện vào trở thành một phần của Lực lượng Vũ trang Ukraine hoặc Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine.
Tuy nhiên, nhóm Cánh Hữu đã thể hiện thái độ thách thức trước yêu cầu đòi họ sáp nhập vào quân đội Ukraine, cố vấn Tổng thống Ukraine và cũng là trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine – ông Yuri Biryukov cho biết trên trang Facebook cá nhân.
Theo lời ông Biryukov, ban đầu đã có nỗ lực nhằm vạch ra một kế hoạch sáp nhập nhưng vấn đề bắt đầu nảy sinh. ‘Các đơn vị của nhóm Cánh Hữu tuyên bố họ phản đối việc bị hòa tan trong lực lượng quân đội chính quy của Ukraine", ông Biryukov cho hay. Có lúc họ đã đồng ý “các đơn vị của họ sẽ không bị chia rẽ và trụ sở của lực lượng tình nguyện sẽ do các sĩ quan chuyên nghiệp chỉ huy”. Ngoài ra, lãnh đạo của nhóm Cánh Hữu cũng là thành viên Quốc hội – ông Dmytro Yarosh đã trở thành cố vấn của Tham mưu trưởng quân đội.
Đó là cách đây ba tuần. Tuy nhiên, mọi việc giờ đã diễn biến theo tình hình xấu đi.
Mâu thuẫn được hóa giải?
Sau khi nhóm Cánh Hữu kéo đến biểu tình, bao vây dinh thự của Tổng thống Poroshenko, giới chức Kiev đã tìm cách hóa giải tình hình. Được biết, nhóm Cánh Hữu với giới chức Kiev sau đó đã đồng ý với thỏa thuận Quân đoàn Tình nguyện Ukraine sẽ trở thành một đơn vị riêng biệt nằm trong quân đội, ông Andrei Taranov – phó Chánh văn phòng tổng thống, cho người biểu tình biết như vậy. Tuy nhiên, ông Taranov đã bị la ó vì những người biểu tình tuyên bố không tin những lời ông này nói.
Tổng thống Poroshenko đã nói với lãnh đạo nhóm Cánh Hữu Yarosh rằng, các đơn vị quân đội sẽ được rút ra khỏi căn cứ của Quân đoàn Tình nguyện Ukraine ở Dnipropetrovsk, ông Andrei Tarasenko – phó chỉ huy nhóm Cánh Hữu cho các phóng viên biết.
Ông Andriy Sharansky – phát ngôn viên Quân đoàn Tình nguyện Ukraine cho biết qua đường dây điện thoại rằng, căn cứ của họ vẫn bị bao vây nhưng nói thêm rằng các bên đang đạt được tiến triển trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, ông này tuyên bố không biết gì về thỏa thuận sáp nhập Quân đoàn Tình nguyện Ukraine vào lực lượng vũ trang.
Các đơn vị vũ trang thuộc nhóm cực đoan Cánh Hữu từ lâu đã từ chối tuân theo mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Yury Biryukov hồi đầu năm nay từng thừa nhận như vậy.
Nhóm Cánh Hữu nổi lên là một liên minh của những thành phần chủ nghĩa dân tộc quá khích, cực đoan được thành lập năm 2013. Nhóm này đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng thực hiện cuộc nổi dậy Maidan hồi đầu năm ngoái đồng thời cũng nổi danh là một trong những thành phần hung hăng nhất trong các cuộc giao tranh đường phố dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Yanukovych. Sau đó, nhóm Cánh Hữu cũng là thành phần chiến đấu ác liệt nhất ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, nhóm này lại đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng chính trị ở Ukraine sau sự kiện Maidan. Trong các cuộc biểu tình ở Maidan hay các cuộc giao tranh, đụng độ ở miền đông Ukraine, nhóm Cánh Hữu tỏ ra hữu dụng với chính quyền Kiev nhưng vào thời điểm hiện nay, khi Kiev củng cố chính quyền thì nhóm Cánh Hữu lại khiến Tổng thống Poroshenko đau đầu.
Ý kiến bạn đọc