Tuyên bố cứng rắn của ASEAN khiến Trung Quốc tức tối

13:10, 29/04/2015
|

(VnMedia) - Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 diễn ra ở Malaysia trong hai ngày vừa rồi, Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã ra tuyên bố chung trong đó thể hiện quan điểm cứng rắn về vấn đề Biển Đông. Diễn biến này đã khiến Trung Quốc “nhảy dựng” lên vì tức giận.
 

Ảnh minh họa

Các nước ASEAN thể hiện sự đoàn kết trong vấn đề Biển Đông


Có thể nói, bất chấp những thông tin trước đó của báo chí nước ngoài về việc ASEAN sẽ không đạt được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 đã kết thúc thành công với một tuyên bố chung thể hiện được tầm nhìn và quyết tâm chung của hiệp hội. Ngoài ra, tuyên bố chung của ASEAN cũng cho thấy sự đoàn kết ngày một lớn hơn giữa các nước thành viên trong vấn đề Biển Đông - một vấn đề đang gây quan ngại cho cả cộng đồng thế giới.
 
Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN 59 đã nói rõ: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của các Lãnh đạo về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Do đó, chúng tôi chỉ đạo các Bộ trưởng Ngoại giao khẩn cấp xử lý vấn đề này một cách xây dựng thông qua các khuôn khổ của ASEAN như quan hệ ASEAN -Trung Quốc cũng như nguyên tắc về cùng chung sống hòa bình”.
 
“Chúng tôi khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh các bên cần bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn vẹn Tuyên bố về Ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông: nhằm xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế trong các hành động; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tuy ghi nhận tiến triển trong tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), chúng tôi yêu cầu tăng cường tham vấn hơn nữa để bảo đảm nhanh chóng xây dựng được một Bộ quy tắc COC hiệu quả”, tuyên bố chung nêu rõ.
 
Phần nội dung trên của Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 được xem là một thông điệp cứng rắn mà Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á muốn nhắn gửi đến Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Hiện tại, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng, cải tạo và bồi đắp trái phép ở những bãi đá trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước trong khu vực “phát sốt” mà còn gây quan ngại sâu sắc với cộng đồng thế giới.
 
Trung Quốc tức giận trước tuyên bố về Biển Đông của ASEAN
 
Phản ứng trước tuyên bố của ASEAN chỉ trích hành động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc”.
 
Phát ngôn viên Hồng Lỗi còn ngang nhiên tuyên bố, những hoạt động cải tạo, xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành ở các bãi đá, bãi san hô là “nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc và rằng đó là những hành động hợp pháp, không nên bị nghi ngờ”.
 
Chưa hết, ông Hồng Lỗi còn tuyên bố, Trung Quốc kiên quyết phản đối “những nỗ lực của các nước nhằm làm phương hại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên”. Ông này không nêu đích danh những nước đó là những nước nào.
 
Trên thực tế, Trung Quốc gần đây đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm DOC đã được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó.
 
Việc các nước ASEAN đồng lòng lên tiếng phản đối Trung Quốc là điều tất yếu khi mà Trung Quốc phớt lờ mọi quy định, luật pháp quốc tế để tiến hành những hoạt động phi pháp, hung hăng nhằm tiến tới đạt được mục tiêu giành quyền kiểm soát Biển Đông.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc