(VnMedia) - 150.000 người dân ở Ramadi, Iraq đã phải bỏ lại nhà cửa để đi sơ tán sau khi tổ chức nhà nước Hồi giáo IS áp sát và bủa vây thành phố này. Hàng trăm lính Mỹ có mặt tại đây cũng đang đối mặt với hiểm nguy.
Đòn phản công của IS
Sau khi bị đánh bật khỏi thành phố chiến lược Tikrit hồi tháng trước, nhóm khủng bố IS đã bí mật tụ quân để phản công, nhằm lật người tình thế tại Iraq.
Hơn 150.000 người phải rời bỏ Ramadi khi IS áp sát thị trấn này |
Theo ghi nhận của báo chí nước ngoài, IS đang tiến rất gần tới tỉnh Anbar, phía tây thủ đô Baghdad. Chúng đụng độ với lực lượng phòng vệ của Iraq. Giao tranh ác liệt đã nổ ra. Dù quân đội Chính phủ đã tạm ngăn cản bước tiến của nhóm khủng bố nhưng chúng vẫn chiếm giữ được 3 ngôi làng ở Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar và nằm ở ngoại ô Baghdad.
Trước căng thẳng ngày càng leo thang, 150.000 người dân nơi đây đã phải rời bỏ nhà cửa, tạm lánh tới khu vực an toàn hơn ở phía Nam và phía Tây Baghdad. Một quan chức thuộc Bộ di trú Iraq cho biết, trước mắt họ đã tiếp tế nhu yếu phẩm, nhà bạt, lều… cho người dân nơi đây.
Các báo cáo sau đó cho biết, những vụ đấu súng vẫn nổ ra giữa nhóm IS và quân đội Chính phủ tại Ramadi, biến nơi đây thành thị trấn “ma” khi các con phố không còn bóng người cùng những tòa nhà đổ nát.
Trong lúc này, đang có ý kiến lo ngại cho hàng trăm bính lính Mỹ đang đóng quân tại một căn cứ quân sự ở phía tây thị trấn Ramadi. Đây là lực lượng đặc biệt được Mỹ cử tới hỗ trợ, đào tạo cho quân đội Iraq. Tuy nhiên, một quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố, Mỹ không có ý định rút lực lượng này bất chấp giao tranh đang diễn ra ác liệt nơi đây.
Trước những đợt phản công khá mạnh mẽ của IS, liên quân do Mỹ dẫn đầu tiếp tục cử các máy bay ném bom, oanh tạc dữ dội 3 ngôi làng Sjariyah, Albu-Ghanim và Soufiya mà IS mới chiếm được ở Ramadi. Những cột khói đen lớn liên tục bốc lên tại Ramadi nhưng tới lúc này chưa có ghi nhận thương vong của nhóm IS. Tuy nhiên, một báo cáo cho biết, liên quân đã thành công trong việc cắt đứt nguồn viện trợ của IS từ bên ngoài vào Ramadi.
Nói với hãng AP qua điện đàm, Faleh al-Issawi – phó tỉnh trưởng Anbar – đã miêu tả tình hình tại tỉnh này là rất nguy cấp đồng thời thúc giục Baghdad nhanh chóng hỗ trợ. “Chính phủ cần phải điều quân và hỗ trợ thêm vũ khí cho chúng tôi ngay lập tức, để tránh nơi đây rơi vào tay IS”, ông Faleh al-Issawi nói.
Thực tế cho thấy, lực lượng quân đội tại tỉnh Anbar khá mỏng. Chính vì vậy họ đã bị thủng tuyến phòng ngự và để nhóm IS tràn vào tấn công tòa nhà Chính phủ. Rất may sau đó, họ đã đẩy lùi được đợt tấn công này.
Trước đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi không hề đề cập tới tình hình tại Ramadi trong chuyến thăm tới Washington. Thay vào đó, ông Haider al-Abadi nhấn mạnh việc Iraq đã thuyết phục được khoảng 5.000 tay súng từ các bộ tộc dòng Sunni tại tỉnh Anbar đứng về phía Chính phủ để đứng lên chống lại IS. Lực lượng này đã được hỗ trợ những loại vũ khí hạng nhẹ và cơ động.
Australia rúng động vì cựu người mẫu và DJ gia nhập IS
Sharky Jama – một cựu người mẫu và là DJ khá nổi tiếng tại Australia – đã gia nhập nhóm khủng bố IS và bị chết trong đợt giao tranh vừa qua tại Iraq. Đây là thông tin khiến Australia rất lo ngại về mối họa an ninh ở quốc gia này.
Từ bỏ sàn catwalk, Sharky Jama gia nhập nhóm khủng bố IS |
Cha mẹ Sharky Jama khẳng định, họ không hề hay biết con trai mình gia nhập tổ chức này, nhưng thừa nhận Jama luôn ủng hộ các khẩu hiệu tuyên truyền của nhóm này. Cựu người mẫu này đã rời bỏ gia đình hồi tháng 8/2014 để tới thành phố Falluja do IS kiểm soát tại Iraq.
Chỉ tới khi thông tin về cái chết của Jama xuất hiện trên truyền thông, cha mẹ Jama mới biết và bị sốc trước việc làm của con trai.
Phát biểu trên truyền thình, Thủ tướng Tony Abbott đã kêu gọi bất cứ người dân Australia nào có ý định gia nhập IS cần dừng lại ngay lập tức. “Đó không phải là đạo Hồi. Đó là thứ tôn giáo chết chóc do IS dựng nên. Đây là thông điệp tôi muốn gửi tới những ai có ý định tới Trung Đông gia nhập IS”.
Theo thống kê, Australia hiện có khoảng 90 công dân gia nhập tổ chức IS. 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Bộ Ngoại giao Australia nhận định, việc ngày càng có nhiều công dân nước này đứng về phía IS đã đặt nước này vào vòng nguy hiểm. Bản thân Australia có mối quan hệ không tốt với cộng đồng Hồi giáo.
Những con số thống kê phía trên chưa phải là chính xác hoàn toàn. Rất có thể vẫn còn không ít người đã âm thầm đi theo tiếng gọi của IS nhưng giới chức an ninh nước này chưa thể nắm rõ. Đó chính là mối họa lớn với Australia.
Ngoại trưởng Australia - Julie Bishop – mới đây cũng bày tỏ mối quan ngại về vấn đề này, sau khi xảy ra vụ đánh bom tự sát do một thanh niên 18 tuổi người Australia tiến hành tại thị trấn Ramadi.
Ý kiến bạn đọc