Thêm đồng minh NATO "ngả" về phía Nga?

14:00, 16/04/2015
|

(VnMedia) - Hy Lạp đang đàm phán với Nga để mua các quả đạn tên lửa dành cho hệ thống tên lửa phòng không S-300 cùng với việc bảo dưỡng cho tên lửa này. Thông tin trên vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp - ông Panos Kammenos cung cấp cho hãng tin RIA Novosti của Nga hôm 15/4.
 
Thông tin này được đưa ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lap Alexis Tsipras vào tuần trước tới Moscow. Trong chuyến công du lần này, ông đã giành được cam kết hỗ trợ thích hợp và hợp tác lâu dài với Nga.

Ảnh minh họa
Hệ thống tên lửa S-300

“Chúng tôi đang đặt ra giới hạn trong việc thay thế hệ thống tên lửa. Hiện đang có những cuộc đàm phán giữa Nga và Hy Lạp trong việc duy trì hệ thống hiện tại cũng như việc mua thêm các tên lửa mới cho hệ thống S-300”, ông Kammenos, hiện đang ở Nga tại 1 hội nghị an ninh trả lời với tờ RIA.
 
Bộ Quốc phòng Hy Lạp tại Athens sau đó đã đưa ra một tuyên bố trích dẫn lời của ông Kammenos cho biết: “Chương trình hợp tác quốc phòng (giữa Nga và Hy Lạp) đang tiếp diễn và sẽ tiếp tục được duy trì”.
 
Vẫn chưa có thêm chi tiết nào về thương vụ này được công bố.
 
Tuy nhiên, hiện chưa rõ, chính quyền cánh tả tại Hy Lạp vốn đang phải vật lộn với các món nợ đến hạn, sẽ tìm đâu ra nguồn tiền cho việc mua thêm những tên lửa này.
 
Trong khi đó, sau cuộc gặp gỡ với ông Tsipras tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Athens không hề đề cập đến chuyện vay tiền của Nga để giải quyết khủng hoảng nợ.
 
Hy Lạp đang rất nỗ lực nối lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Nga, trong đó có động thái phản đối việc Liên minh châu Âu áp đặt các lệnh cấm vận lên Moscow do bất đồng về khủng hoảng địa chính trị Ukraine.
 
Hy Lạp đã sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga chế tạo kể từ cuối những năm 1990. Hy Lạp là quốc gia duy nhất thuộc khối quân sự NATO sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất. Thực tế thì các hệ thống S-300 mà Hy Lạp đang sử dụng được mua bởi Síp năm 1996, nhưng do áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ buộc Síp phải chuyển giao lại cho Hy Lạp sử dụng vào năm 2007.
 
Trước đó, hôm thứ Hai vừa rồi, điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu hệ thống S-300 cho Iran sau khi các cường quốc, trong đó có Nga đạt được một thỏa thuận tạm thời với Iran về chương trình hạt nhân của nước này.
 
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi. S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.
 
Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
 
S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.
 
Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước thèm muốn có được để bảo vệ cho vùng trời lãnh thổ của họ. 
 
S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.
 
Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
 
Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng.
 
Quân đội Hy Lạp hiện có 2 tiểu đoàn S-300PMU-1 với 12 bệ phóng tự hành. Hệ thống S-300PMU-1 của Hy Lạp có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không như máy bay, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình ở tầm xa đến 150km, độ cao từ 10m tới 27km.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc