Mỹ không "nao núng" trước tên lửa của Nga

11:41, 17/04/2015
|

(VnMedia) - Việc Nga cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Iran sẽ không ảnh hưởng gì tới khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran của Mỹ nếu cần thiết. Đó là tuyên bố đầy thách thức vừa được một quan chức quân đội cấp cao Mỹ đưa ra hôm qua (16/4).  

“Chúng ta đã lường trước được khả năng hệ thống này sẽ được bán cho Iran nhiều năm nay và luôn chuẩn bị sẵn mọi phương án về nó trong tất cả các kế hoạch của chúng ta”, Tướng Martin Dempsey, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết tại một cuộc họp báo.

Ảnh minh họa

Mỹ đã nhiều lần tuyên bố, nước này không loại trừ khả năng tấn công quân sự nhằm vào Iran để ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân nếu các biện pháp ngoại giao thất bại.
 
Ông Dempsey cho biết, giải pháp quân sự có thể được củng cố sau quyết định cung cấp các hệ thống S-300 tinh vi cho Iran của Nga. 
 
Trước đó, ngày 14/4, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao của Iran Ali Shamkhani cho biết, Nga sẽ tiếp tục cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran sau một thời gian tạm hoãn. Nga giải thích cho hành động của mình, Moscow cho biết những tiến bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) khiến Nga không cần thiết phải cấm xuất khẩu tên lửa đất đối không cho Iran. Iran ca ngợi quyết định của Nga là một bước tiến lớn để duy trì an ninh lâu dài tại khu vực Trung Đông đang đầy rẫy các cuộc xung đột.
 
Tuy nhiên, quyết định trên của Nga đã vấp phải sự lên án không chỉ của Mỹ mà cả Israel.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cũng cho biết, Ngoại trưởng John Kerry đã một lần nữa bày tỏ sự quan ngại của Mỹ về vấn đề này trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
 
Tuy nhiên, Mỹ thừa nhận rằng, động thái này của Nga không vi phạm lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và không tác động đến “sự nhất quán” của Nga về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, hành động của Moscow sẽ làm Tehran ngày càng “ra oai” và có những bước đi khó lường.

Cùng với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon bày tỏ quan ngại rằng, Iran sẽ tăng cường vũ trang cho chính quyền Syria hay phong trào Hezbollah bao vây Israel. Chính quyền ở Tel Aviv vốn phản đối chính phủ Syria và coi phong trào Hezbollah là tổ chức khủng bố.

Về phần mình, Bộ trưởng Tình báo Israel - ông Yuval Steinitz cũng bày tỏ: “Chúng tôi rất lo lắng về việc Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Iran. Tôi nghĩ rằng đây là một sai lầm bởi nó sẽ gửi đi một thông điệp rằng, trong lúc Iran tài trợ chủ nghĩa khủng bố ở khắp Trung Đông, thì họ lại được quyền nhận số vũ khí đó. Theo tôi, đây là tác động tiêu cực, thậm chí có thể gọi là hậu quả của thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Iran mới đây tại Ludan, Thụy Sỹ”.

Iran hiện đang thiếu hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến để có thể đánh gục chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ hoặc lực lượng không quân Israel. Mặc dù S-300 sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng không của Iran, nhưng nó vẫn chưa rõ loại tên lửa này có thể tiêu diệt được máy bay tàng hình F-22 và máy bay ném bom của Mỹ hay không.

Tên lửa S-300 của Nga được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và sở hữu.. Hiện có khá nhiều quốc gia trên thế giới sở hữu hệ thống S-300 của Nga, chủ yếu là ở Đông Âu và châu Á, trong đó có Ukraine, Hy Lạp, Syria, Ấn Độ , Trung Quốc, Việt Nam….Theo Wikipedia, ngay cả Mỹ cũng đã từng mua một hệ thống S-300V của Nga năm 1993 để đánh giá, áp dụng công nghệ để nâng cấp các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi. S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.
 
Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
 
S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù.
 
Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước thèm muốn có được để bảo vệ cho vùng trời lãnh thổ của họ. 
 
S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.
 
Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
 
Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc