(VnMedia) - Crimea đang được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành "pháo đài bất khả xâm phạm" ở Biển Đen và lực lượng binh lính được triển khai tới bán đảo này có thể đảm nhiệm mọi nhiệm vụ được giao. Đó là nhận định vừa được Chỉ huy phó Hạm đội Biển Đen của Nga - ông Yury Petrov đưa ra hôm qua (9/4).
“An ninh của Crimea đang được bảo vệ an toàn, các cơ sở hạ tầng cần thiết đã được thiết lập để trở thành căn cứ cho các đơn vị quân sự, các tàu ngầm và tàu chiến mới”, ông nói.
“Binh lính và lực lượng được trang bị các loại vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại. Hai tàu ngầm mới sẽ trở thành một phần của lực lượng sắn sàng chiến đấu thường trực của Hạm đội Biển Đen trước cuối năm nay”, ông Petrov nói thêm. Bán đảo này sẽ trở thành "một pháo đài bất khả xâm phạm" ở Biển Đen.
Trước đó, hồi cuối năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga - ông Sergei Shoigu đã tuyên bố thành lập lực lượng tự vệ tự lực ở Crimea. Sau khi Crimea về với Nga, đến cuối năm 2014, trên bán đảo này đã triển khai khoảng 25 nghìn binh lính và 43 tàu chiến vào mùa thu năm ngoái. Đến ngày 30/3/2015, đã có tổng cộng 96 đơn vị quân đội và các tổ chức đã được triển khai tại Crimea để bảo vệ lợi ích của Nga vùng Biển Đen.
Ngoài ra, Hạm đội Biển Đen sẽ được biên chế tổng số 6 tàu ngầm diesel-điện của dự án Varshavyanka, chiếc tàu đầu tiên đã được hạ thủy. Tàu ngầm lớp Varshavyanka có khả năng di chuyển ít gây tiếng ồn nhất, được trang bị những quả ngư lôi hiện đại và tên lửa hành trình chống tàu siêu âm Caliber, nổi tiếng khắp thế giới bởi hỏa lực mạnh và tiếng ồn nhỏ.
Các tàu ngầm lớp Varshavyanka sẽ tạo thành một đơn vị sẵn sàng chiến đấu, tức là sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh của Hạm đội Biển Đen của Nga tại khu vực Crimea.
Cùng với đó, chiếc tàu hộ tống đầu tiên trong 6 tàu thuộc dự án 11356, đóng cho hạm đội Biển Đen cũng sẽ được bàn giao cho hải quân Nga vào tháng 8 này. Tàu hộ tống Admiral Grigorovich đã được bắt đầu khởi công từ cuối năm 2010 và được lên kế hoạch chạy thử vào giữa tháng 4 năm nay. Tàu hộ tống lớp Admiral Grigorovich có lượng giãn nước 3.850 tấn, được thiết kế cho mục tiêu chống hạm, chống ngầm cũng như các nhiệm vụ phòng không. Chúng có thể hoạt động độc lập hoặc chiến đấu cùng các lực lượng hải quân khác. Dự án 11356 chỉ là một phần trong kế hoạch hiện đại hoá toàn bộ hạm đội Biển Đen của Nga.
Sau khi bán đảo này được sáp nhập vào Liên bang Nga, Hạm đội Biển Đen được bổ sung thường xuyên, và có khả năng giải quyết các nhiệm vụ mà không quan tâm đến những hạn chế đã được ghi trong hợp đồng với phía Ukraine.
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc tăng cường bảo vệ biên giới phía Nam của Nga là điều cần thiết trong khi sự hiện diện quân sự nước ngoài gần biên giới Nga đang gia tăng, và NATO sẵn sàng hành động "chống lại Nga".
Bên cạnh đó, mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết có 96 đơn vị quân sự của Nga đang đóng tại Crimea để bảo vệ vững chắc vùng lãnh thổ mới được sáp nhập này.
Theo ông Sergei Shoigu, nhóm binh sỹ ở Crimea đã được thiết lập không chỉ để bảo vệ lợi ích của Nga trên bán đảo Crimea và Biển Đen mà nó còn có thể thực hiện nhiệm vụ trong các vùng biển xa bờ.
Ông nói: “Việc tạo ra nhóm lực lượng ở Crimea không chỉ bảo vệ lợi ích của Nga trong khu vực Biển Đen và bang Crimea mà nó còn có thể thực hiện thành công các nhiệm vụ ở những vùng biển xa bờ”.
Ông Shoigu cũng ghi nhận rằng gần 100 đơn vị đã được thiết lập vào cuối năm ngoái theo chương trình triển khai một nhóm lực lượng tự cung tự cấp tại Crimea.
"Theo lệnh Tổng thống, chúng tôi được hướng dẫn để triển khai một nhóm lực lượng tự túc trên bán đảo Crimea có khả năng bảo vệ hiệu quả lợi ích của Nga trong khu vực này. Nhiệm vụ đó đã hoàn thành đầy đủ vào cuối năm 2014. Một báo cáo tương ứng đã được trình lên Bộ chỉ huy tối cao. 96 đơn vị và tổ chức đã được thành lập”, ông nhấn mạnh.
Ông Shoigu còn cho biết: “Năm ngoái, lực lượng của các hạm đội: Biển Đen, Biển Bắc, Baltic gồm 6 tàu chiến đã duy trì sự hiện diện thường trực của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Ngoài ra, chúng ta đã hoàn thành tổ chức huấn luyện chiến đấu cho lực lượng không quân ở Crimea cũng như tăng cường sức mạnh chiến đấu cho các hệ thống phòng không”.
Ý kiến bạn đọc