Mỹ cảnh báo sắc lạnh, Trung Quốc rùng mình

10:27, 09/04/2015
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm qua (8/4) đã khởi động chuyến công du Châu Á đầu tiên bằng lời cảnh báo sắc lạnh về tình trạng quân sự hoá các cuộc tranh chấp lãnh thổ - nơi Trung Quốc đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ với hàng loạt nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
 

Ảnh minh họa

Mỹ, Nhật ngày càng tin tưởng lẫn nhau và đều có mối quan ngại chung về Trung Quốc


Chuyến thăm của Bộ trưởng Carter đến Nhật Bản trùng hợp vào thời điểm khi mà Washington đang đặc biệt lo ngại về những hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng ở Biển Đông của Trung Quốc. Bắc Kinh gây lo ngại cho các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung về những hành động, lập trường và chính sách cứng rắn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông với 4 nước Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Ngoài ra, Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp quyết liệt với nhau quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 
Quân Mỹ và Philippines sẽ tham gia vào cuộc tập trận chung thường niên trong tháng này ở Biển Đông. Đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi hai nước đồng minh này bắt đầu nối lại các cuộc tập trận chung từ năm 2000.
 
Khi được hỏi liệu việc Mỹ và Philippines tăng cường các hoạt động diễn tập quân sự chung có phải là nhằm để đáp trả các động thái của Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói rằng Washington và Manila chia sẻ với nhau lợi ích trong khu vực, trong đó có mong muốn đảm bảo không có sự thay đổi về nguyên trạng cũng như không có tình trạng quân sự hoá các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
 
"Chúng tôi giữ lập trường phản đối mạnh mẽ các hoạt động quân sự hoá những cuộc tranh chấp”, ông Carter nhấn mạnh tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani.
 
Bộ trưởng Carter cũng hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong việc tiến hành sửa đổi lần đầu tiên đối với những định hướng về hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Nhật Bản. Đây là sự sửa đổi sẽ giúp mở rộng phạm vi tương tác giữa hai liên minh quân sự Mỹ-Nhật, phù hợp với nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc dỡ bỏ bớt những hạn chế đối với quân đội Nhật Bản theo hiến pháp hoà bình.
 
"Sự điều chỉnh, thay đổi trước hết sẽ giúp Nhật Bản và sau đó là cả liên minh của chúng tôi có được phạm vi lớn hơn rất nhiều để cung cấp an ninh cho khu vực và cho các nơi khác ngoài khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho hay.
 
Bước đi của Thủ tướng Abe cho phép Tokyo có thể đến trợ giúp cho một đồng minh của nước này trong trường hợp đồng minh đó bị tấn công. Điều này sẽ mở đường cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa lực lượng Mỹ và Nhật Bản trên khắp khu vực Châu Á, Đô đốc Robert Thomas – Chỉ huy Hạm đội Số 7 của Mỹ, hồi tháng trước cho biết.
 
Hồi tháng 1, Đô đốc Thomas từng tuyên bố, Mỹ hoan nghênh Nhật Bản tiến hành các chuyến bay tuần tra ở Biển Đông.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani cho biết tại cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Carter rằng những định hướng mới trong sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản không nhằm vào bất kỳ khu vực cụ thể nào, kể cả Biển Đông.
 
Mỹ, Nhật tin tưởng lẫn nhau nhưng lo ngại về Trung Quốc
 
Hơn 7 thập kỷ qua kể từ sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và lôi Mỹ vào một cuộc chiến tranh toàn cầu, Mỹ và Nhật Bản hiện giờ rất tin tưởng nhau nhưng cả hai đều có sự quan ngại về Trung Quốc.
 
Trái ngược với những lời kêu gọi liên tục được Bắc Kinh đưa ra đòi Tokyo phải thể hiện sự ăn năn, hối lỗi hơn nữa về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, khoảng 2/3 người Mỹ tin rằng Tokyo đã xin lỗi đủ và không cần phải làm việc này thêm nữa. Đây là kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Mỹ thực hiện và vừa được công bố hôm thứ Ba (7/4). Kết quả này được công bố chỉ vài tuần trước khi Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến có chuyến thăm đến Mỹ - nơi ông sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên có bài phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ.
 
Bài phát biểu của ông Abe chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý rất lớn bởi người ta chờ xem Nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ có dấu hiệu gì vào dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc thế chiến II khi Bắc Kinh đang kêu gọi Tokyo thể hiện “sự chân thành hối lỗi” về những tội ác thời phát xít Nhật.
 
Tuy nhiên, cuộc thăm dò dư luận của Pew cho thấy, không còn sự thù địch đáng kể nào giữa người dân Nhật Bản và người dân Mỹ bất chấp việc giữa hai nước đã từng có cuộc chiến tranh kéo dài 4 năm đến tận 1945 và việc Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau đó cho đến năm 1952.
 
"Hai đối thủ thời Chiến tranh Thế giới II sau đó là đối thủ cạnh tranh về kinh tế những năm 1980 và đầu những năm 1990 nhưng người Mỹ và Nhật Bản hiện tại chia sẻ sự tin tưởng sâu sắc lẫn nhau", Trung tâm Nghiên cứu Pew đã phân tích như vậy trong bản báo cáo hàng năm dựa trên cuộc thăm dò dư luận đối với 1.000 người từ mỗi nước.
 
Khoảng 68% người Mỹ tin tưởng Nhật Bản và 75% người Nhật Bản tin tưởng Mỹ. Trong khi đó, chỉ có 30% người Mỹ và 7% người Nhật Bản tin tưởng Trung Quốc. Cứ trong 10 người Mỹ thì có đến 6 người tin rằng, sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc quân sự và kinh tế khiến quan hệ Mỹ và Nhật Bản trở nên quan trọng hơn.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc