Bầu cử Mỹ: Cuộc đấu nghẹt thở giữa 2 đại gia đình?

14:11, 16/04/2015
|

(VnMedia) - Như nhiều người ở trong và bên ngoài nước Mỹ dự đoán, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cuối cùng cũng đã tuyên bố: “Vâng, tôi đã sẵn sàng chạy đua cho chức Tổng thống Mỹ”. Như vây, bà Hillary đã sẵn sàng “chiến đấu” cho tham vọng trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của siêu cường số 1 thế giới.
 

Ảnh minh họa

Bà Hillary Clinton


Với kinh nghiệm dày dạn trên chính trường đã được chứng thực bằng kỹ năng lãnh đạo và uy tín, sự nổi tiếng không ai sánh bằng trong số các ứng cử viên của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton gần như chắc chắn sẽ giành được “chiếc vé” ứng cử viên của Đảng Dân chủ để tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng với ông Jeb Bush - người được cho là cũng sẽ giành được vị trí ứng cử viên của Đảng Cộng hoà.
 
Kịch bản về một cuộc đấu giữa bà Hillary và ông Bush sẽ lại một lần nữa thu hút sự chú ý lớn của dư luận đến hai đại gia đình danh giá trên chính trường nước Mỹ. Đây là những gia đình đều đã từng có ít nhất một người làm Tổng thống của nước Mỹ.
 
Đối với gia đình của bà Hillary, chồng của bà - ông Bill Clinton đã từng đắc cử chức tổng thống Mỹ năm 1992. Ông là một trong những vị Tổng thống trẻ nhất của nước Mỹ, và cũng là vị Tổng thống đầu tiên của Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong hai nhiệm kỳ liên tiếp kể từ thời ông Franklin D. Roosevelt.
 
So với gia đình Clinton, gia đình Bush có lịch sử Đệ nhất Gia đình lâu hơn. Tổng thống đầu tiên đến từ gia đình Bush là ông George H. W. Bush. Ông này đã thành công trong chiến dịch tranh cử để kể nhiệm ông Ronald Reagan năm 1988 sau khi giữ cương vị Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Reagan suốt 8 năm.
 
Do sự phục hồi yếu kém của nền kinh tế Mỹ sau một cuộc suy thoái cùng với tình trạng liên tục thâm hụt ngân sách, ông George H. W. Bush đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 trước đối thủ trẻ tuổi Bill Clinton.
 
8 năm sau, người con trai lớn nhất của ông George H. W. Bush - George W. Bush đã giành chiến thắng trong cuộc đua đầy sít sao vào Nhà Trắng với ứng cử viên Al Gore và ông này đã tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ 2 năm 2004.
 
Ông Jeb Bush – con trai thứ hai của George Bush cha, từng làm Thống đốc của bang Florida từ năm 1999 đến 2007.
 
Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2010, tin đồn đã rộ lên về việc ông Jeb Bush đang nỗ lực tìm cách giành được vị trí ứng cử viên của Đảng Cộng hoà tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Tuy nhiên, ông Jeb Bush đã phủ nhận ý định này ngay từ đầu.
 
Ông Jeb Bush được xem là một ứng cử viên tiềm năng cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 kể từ cuối cuộc bầu cử năm 2012. Tuy nhiên, ông Jeb Bush chỉ bày tỏ vào cuối năm 2014 rằng, ông sẽ "tích cực thăm dò” khả năng chạy đua trong cuộc  bầu cử vào năm 2016. Cho đến thời điểm này, con trai của cựu Tổng thống George H. W. Bush vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc liệu ông này có tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm tới hay không.
 
Tuy nhiên, lịch sử của gia đình liên quan đến Nhà Trắng hoặc có thể là một điềm lành, sự may mắn nhưng cũng có thể là tai hoạ cho ứng cử viên. Một cuộc thăm dò dư luận do Công ty Truyền hình Mỹ (ABC) và Washington Post phối hợp thực hiện hồi tháng 1 năm nay đã cho kết quả, 34% cử tri không muốn bỏ phiếu cho ông Jeb Bush "bởi cả cha và anh của ông này đều đã làm Tổng thống Mỹ”. Chỉ có 9% cử tri Mỹ muốn ủng hộ ông này.
 
Trong khi đó, trong cùng cuộc thăm dò dư luận trên, bà Hillary Clinton lại nhận được sự ủng hộ cao hơn của người dân Mỹ nhờ vào chồng bà. Khoảng 24% cử tri Mỹ cho biết, họ có thể lựa chọn bà Hillary làm nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ do chồng bà đã thể hiện rất tốt khi nắm cương vị lãnh đạo nước Mỹ. 16% phản đối bà Hillary làm tổng thống.
 
Thách thức trên con đường chinh phục đỉnh cao quyền lực của bà Hillary
 
Mặc dù được cho là đang có nhiều lợi thế trên con đường chinh phục đỉnh cao quyền lực, bà Hillary được cho là vẫn phải đối mặt với thách thức không nhỏ.
 
Trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tính cách thường đóng vai trò chủ chốt và điều đó được cho là một thách thức lớn đối với bà Hillary trên đường đua tiến về Nhà Trắng.
 
Bà Hillary hôm 12/4 đã thông báo quyết định tranh cử chức tổng thống Mỹ trong một đoạn video dài 3 phút, trong đó bà thể hiện mình là một “đấu tranh, bênh vực” cho tầng lớp trung lưu vào một thời điểm khi các gia đình trung lưu ở Mỹ đang bị dồn ép từ tất cả mọi phía.
 
Bài phát biểu của bà Hillary trong đoạn băng rõ ràng là nhằm để minh hoạ bà là một người bảo vệ cho tầng lớp trung lưu.
 
Với tư cách là một cựu Đệ nhất phu nhân và cựu Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Obama, “thương hiệu” của bà Hillary đã được công nhận trên trường quốc tế khi bà đi hơn 100 nước, gặp gỡ với nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
 
Tuy nhiên, tất cả những điều đó không có tác dụng khi bà vận động tranh cử để giành được những lá phiếu của những người thuộc tầng lớp trung lưu bình thường. Bà Hillary sẽ phải làm thế nào đó để chứng minh bà là một ứng cử viên bình dân, dễ gần với công chúng, là người có thể hoà mình, gắn kết với những người dân thường ở Mỹ. Đây sẽ là một thách thức với cựu Đệ nhất phu nhân cũng là cựu Ngoại trưởng của nước Mỹ
 
Trong khi bà Hillary cho thấy mình là một người đĩnh đạc, tự tin thì ở bà lại thiếu sức hút và sự gần gũi mà chồng bà - cựu Tổng thống Bill Clinton lại thể hiện rất rõ, giới chuyên gia đánh giá.
 
"Điểm yếu nhất của bà Hillary là bà thiếu sự cuốn hút của chồng bà. Tuy nhiên, rất may bà Hillary lại là người rất có năng lực và điều đó có thể giúp bà trong chiến dịch tranh cử”, một chuyên gia cấp cao ở Viện Brookings - ông Darrell West đã đánh giá như vậy.
 
Ngoài ra, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, nhiều người Mỹ, thậm chí là cả những người trong đảng Dân chủ, bày tỏ sự thiếu tin tưởng với bà Hillary, đặc biệt sau khi có thông tin tiết lộ bà chỉ sử dụng tài khoản email cá nhân trong quá trình 4 làm việc với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc