(VnMedia) - Nhật Bản đang lên kế hoạch mở rộng trừng phạt CHDCND Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục trì hoãn đưa ra báo cáo điều tra vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, Reuters hôm qua (28/3) đưa tin.
Theo các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, nước này sẽ kéo dài thêm 2 năm lệnh cấm xuất khẩu toàn diện sang Triều Tiên, cấm các tàu thuyền Triều Tiên cập cảng Nhật Bản, trừ các chuyến tàu mang mục đích nhân đạo.
Tuy nhiên, hiện chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin trên.
Theo Reuters, năm 2002, Triều Tiên đã thừa nhận bắt cóc 13 công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980 để giúp nước này đào tạo gián điệp. 5 trong số những người bị bắt cóc này và gia đình của họ sau đó đã được trả về nước. Triều Tiên cho biết, 8 công dân Nhật còn lại đã chết và vấn đề cũng được khép lại, nhưng Nhật Bản vẫn muốn Triều Tiên cung cấp thêm thông tin về số phận của họ.
Tháng 7 năm ngoái, Nhật đã dỡ bỏ một số biện pháp cấm vận nhằm vào Triều Tiên, bao gồm việc nới lỏng những hạn chế đi lại, song đổi lại Bình Nhưỡng phải mở lại cuộc điều tra về số phận những công dân bị bắt cóc trên của Nhật Bản.
Tokyo cho biết, họ sẽ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận nhưng vẫn muốn giữ sức ép đối với phía Bình Nhưỡng vì “bưng bít” thông tin sự thật về vụ bắt cóc cũng như vụ phóng tên lửa hồi đầu tháng này của họ.
Triều Tiên lẽ ra đã phải đưa ra một bản báo cáo điều tra ban đầu về vụ bắt cóc từ tháng 9 năm ngoái nhưng không giữ đúng lời hứa, nói rằng công tác điều tra chưa hoàn tất.
Được biết, hồi cuối tháng 1 vừa qua, Nhật Bản và Triều Tiên đã tiến hành đàm phán không chính thức tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) liên quan tới cuộc điều tra mà Bình Nhưỡng đang tiến hành về số phận các công dân Nhật Bản bị bắt cóc nhiều thập kỷ trước.
Trong một diễn biến liên quan khác, hôm 27/3, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) tố cáo Triều Tiên “bắt cóc có hệ thống” hơn 200.000 người nước ngoài và kêu gọi Bình Nhưỡng “giải quyết vấn đề một cách minh bạch”. Đây là năm thứ 12 liên tiếp, Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva – Thụy Sĩ thông qua nghị quyết chống lại Bình Nhưỡng về “hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn”.
Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản sđã lên án Triều Tiên “vi phạm nhân quyền liên tục, có hệ thống và phổ biến trên khắp cả nước" trong một thời gian dài.
Năm 2014, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc đã nêu con số, trong khoảng từ năm 1950 đến 1953 đã có 200 nghìn người nước ngoài thuộc 12 quốc tịch khác nhau, trong đó đa số là người Hàn Quốc bị Bắc Triều Tiên bắt giữ. Còn lại là hàng trăm công dân nước ngoài biến mất bí ẩn tại quốc gia này. hững tù binh chiến tranh này không hề được trả về tổ quốc. Thêm vào đó trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, rất nhiều người Nhật, người Trung Quốc, Mỹ và một số người Châu Âu đã bị mật vụ của Bình Nhưỡng bắt cóc.
Nhóm điều tra LHQ đã lấy lời khai của những người đào tẩu khỏi Triều Tiên và phát hiện hệ thống nhà tù khắc nghiệt giam giữ khoảng 120.000 tù nhân cùng các trường hợp bị tra tấn, hãm hiếp và hành quyết.
LHQ cũng lên kế hoạch thành lập một cơ sở thực địa trực thuộc Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ tại Seoul (OHCHR) để theo dõi vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên. Bên cạnh đó, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền ở Triều Tiên, Marzuki Darusman, sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong vòng 1 năm tới. Động thái mới của LHQ nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, Triều Tiên ngay sau đó đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc trên và gọi đó là một “âm mưu chính trị dối trá và xuyên tạc”. Ông Ri Hung Sik, quan chức ngoại giao Triều Tiên, cảnh báo nghị quyết này sẽ biến đất nước của ông thành “bàn cờ chính trị”.
Trước đó, hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ đệ trình hồ sơ vi phạm nhân quyền của Triều Tiên lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Ý kiến bạn đọc