Ớn lạnh màn “đọ” vũ khí giữa các cường quốc

07:41, 02/01/2015
|

(VnMedia) - Một cuộc xung đột giữa các nước nhỏ đã gây ra những tổn thất vô cùng đáng sợ. Mọi thứ sẽ kinh hoàng gấp nhiều lần nếu xảy ra một cuộc xung đột giữa những cường quốc lớn vốn có sức mạnh ghê gớm với hàng loạt vũ khí khủng khiếp. Vì thế, mỗi lần các cường quốc thế giới “đọ” vũ khí với nhau, người dân thế giới không khỏi cảm thấy “dựng tóc gáy” vì lo sợ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Năm 2014 đã chứng kiến không ít màn “đấu” vũ khí thót tim giữa các nước lớn, đặc biệt là trong thời gian nửa đầu năm.
 
Chiến đấu cơ Trung, Nhật liên tục khiêu khích nhau
 
Năm 2013 chứng kiến mối quan hệ Trung-Nhật “lao dốc không phanh”, liên tục căng thẳng và đối đầu. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hai cường quốc hàng đầu Châu Á vẫn gầm ghè với nhau trong nửa đầu của năm 2014.
 
Liên tục trong những tháng đầu năm 2014, chiến đấu cơ và máy bay quân sự của Trung Quốc và Nhật Bản vờn đuổi, khiêu khích nhau ở vùng biển tranh chấp. Một chiến đấu cơ của Nhật Bản đã “vờn” nhau đầy nguy hiểm với hai chiến đấu cơ của Trung Quốc ngay đúng ngày đầu tiên của năm 2014 theo lịch âm.
 
Giữa lúc hàng loạt nước Châu Á đang tưng bừng đón ngày đầu tiên của tết cổ truyền Giáp Ngọ theo lịch âm 1/1 (tức 31/1-lịch dương), thì báo chí Trung Quốc lên tiếng tố cáo rằng, một chiến đấu cơ nước ngoài đã xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của họ ở biển Hoa Đông và đã bị chiến đấu cơ của họ đuổi ra khỏi khu vực. Trung Quốc tuyên bố họ đã “đuổi” một chiếc máy bay quân sự nước ngoài ra khỏi khu vực không phận của nước này.
 
Sau đó, vào một ngày cuối tháng 5, các chiến đấu cơ mang theo tên lửa của Trung Quốc đã áp sát máy bay quân sự của Nhật Bản ở khoảng cách nguy hiểm trên biển Hoa Đông. Đây là động thái khiến Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera phải lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh đã hành xử “quá đáng” khi tiếp cận với vùng lãnh thổ tranh chấp.
 
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, những chiếc chiến đấu cơ SU-27 của Trung Quốc hôm 24/5 đã vờn đuổi, áp sát một chiếc máy bay do thám P-3C của họ ở khoảng cách 50m ở bầu trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chiến đấu cơ của Trung Quốc còn áp sát máy bay tình báo điện tử YS-11EB của Nhật Bản ở khoảng cách 30m. Đây là lần chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát máy bay của Nhật Bản một cách gần nhất, nguy hiểm nhất.

Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng bày tỏ sự quan ngại đối với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao. Ông này cũng nói thêm rằng, khi có hành động nguy hiểm như trên, máy bay Trung Quốc đang mang theo tên lửa. Tokyo cho rằng, hành động của Trung Quốc “gây phẫn nộ” khi để những chiếc máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa tiếp cận sát các máy bay của Nhật ở khoảng cách chỉ có 30m.
 
Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á đã xấu đi một cách nghiêm trọng vì cuộc tranh chấp nóng bỏng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm 2012, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền ra vào vùng tranh chấp, châm ngòi cho những cuộc vờn đuổi, gầm ghè đầy căng thẳng với tàu thuyền Nhật Bản.

Sau những màn “mèo vờn chuột” đầy nguy hiểm trên, Trung Quốc đã có một bước đi leo thang mới vào ngày 13/12/2012 khi nước này lần đầu tiên đưa máy bay không người lái đến quần đảo tranh chấp Senkaku. Vụ việc này đã buộc Tokyo phải cử 8 chiến đấu cơ hiện đại đi chặn đầu máy bay Trung Quốc. Đây chính là bước mở màn leo thang trên bầu trời. Kể từ sau đó, những cuộc đối đầu trên không giữa máy bay hai nước Trung, Nhật trở nên thường xuyên hơn.
 
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2014, quan hệ Trung-Nhật có dấu hiệu dịu đi, ít nhất là những vụ “đọ” vũ khí nguy hiểm như trên đã không xảy ra. Đó có thể là do kết quả của một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nhật Bản hồi tháng 11 dù hai bên vẫn tỏ ra khá lạnh nhạt với nhau.
 
Vũ khí Mỹ, Trung “chạm trán” nghẹt thở
 
Trung Quốc không chỉ liên tục có các cuộc “đọ” chiến đấu cơ nguy hiểm với nước láng giềng Nhật Bản mà còn “đối đầu” vũ khí nghẹt thở với Mỹ.
 
Hồi tháng 5/2014, tàu USS Blue Ridge - tàu chỉ huy Hạm đội thứ Bảy của Mỹ, đã có cuộc đối đầu với hai tàu chiến của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Hai chiếc tàu chiến của Trung Quốc là Hengshui - một tàu khu trục lớp Type 054A, và Lanzhou - một tàu khu trục lớp Type 052C. Trong cuộc đối đầu, một chiếc trực thăng MH-60 Sea Hawk từ Đội Trực thăng Chiến đấu trên biển số 12 đã nhận được lệnh cất cánh từ bong tàu USS Blue Ridge để đi chụp ảnh hai chiếc tàu chiến của Trung Quốc. 4 trong số những bước ảnh này đã được đưa lên trên trang website của Hải quân Mỹ.
 
Vụ đối đầu giữa tàu chiến Mỹ, Trung mới nhất ở Biển Đông nói trên diễn ra chỉ vài tháng sau khi tàu Trung Quốc suýt đâm tàu Mỹ cũng ở vùng biển “sóng gió” này.
 
Sau vụ việc hồi tháng 5, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có một cuộc “đấu” vũ khí nóng bỏng khác. Cụ thể vào tháng 8 năm ngoái, một chiến đấu cơ của Trung Quốc bị cáo buộc đã tiến hành một vụ “chặn đầu nguy hiểm” nhằm vào một máy bay do thám của Hải quân Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc trong không phận quốc tế. Chiếc phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã liên tục áp sát máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ, thời điểm gần nhất là trong phạm vi 6,1m.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết thêm rằng, máy bay chiến đấu của Trung Quốc còn thực hiện động tác “nhào lộn” ngay trước mũi của máy bay Poseidon và bay ngang qua mũi của máy bay Hải quân Mỹ, để lộ cả phần bụng của chiếc chiến đấu cơ của Trung Quốc theo một cách nhằm để răn đe phía Mỹ rằng máy bay của họ được trang bị vũ khí. Vụ chặn đầu máy bay này được miêu tả là rất gần và rất nguy hiểm.
 
Giới phân tích tin rằng, những cuộc đối đầu giữa tàu chiến và chiến đấu cơ Mỹ, Trung Quốc trong năm 2014 cho thấy thực tế về một cuộc đua tranh ảnh hưởng ngày càng nóng bỏng giữa hai cường quốc này ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc