Sốc lời kể của nạn nhân vụ bắt cóc ở Sydney

11:13, 16/12/2014
|

(VnMedia) - Sống sót sau vụ bắt cóc con tin khủng khiếp khiến 2 người thiệt mạng trong số 17 con tin ở Sydney, bà Mikhael đã kể lại những giờ phút kinh hoàng mà bà phải trải qua khi trở thành nạn nhân của một kẻ cuồng tín theo đạo Hồi.

>> Nổ súng kinh hoàng kết thúc vụ khủng bố Sydney
>> Australia chấn động vụ bắt 40 con tin giữa Sydney
 

Ảnh minh họa

  Một nạn nhân chạy thoát ra ngoài trong vụ bắt cóc con tin


Bà Mikhael, từng là một nữ cảnh sát và hiện đang kinh doanh trong ngành thể dục thể thao, chưa hết hoảng sợ kể lại, bà đang mua cà phê buổi sáng ở quán Lindt Cafe thì Man Haron Monis nhanh chóng lẻn vào, khóa cửa lại và tuyên bố với mọi người ở bên trong là họ đã là con tin của hắn.
 
“Xin hãy cứu chúng tôi. Người đàn ông đang giữ chúng tôi làm con tin đã đưa ra những yêu cầu nhỏ và đơn giản nhưng không yêu cầu nào được đáp ứng. Hắn ta đang đe doạ sẽ bắt đầu lần lượt giết từng người trong chúng tôi. Chúng tôi cần được cứu giúp ngay bây giờ. Hắn ta muốn thế giới biết rằng Australia đang bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công”, Mikhael đã viết như vậy trên trang Facebook từ bên trong quán cà phê nơi bà cùng với hàng chục người khác bị bắt làm con tin.
 
Bà Mikhael tiếp tục thông tin trên Facebook rằng, tên Monis đang tức giận bởi việc hắn tuyên bố là một chiến binh IS không được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Nhân chứng cũng cho hay, Monis đã đòi có một lá cờ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và được đối thoại với Thủ tướng Australia Tony Abbott. Cuộc đối thoại này phải được truyền hình trực tiếp. Bà Mikhael cho hay, tên bắt cóc còn yêu cầu “những người anh em” của hắn không cho phát nổ hai quả bom được cài đặt ở thành phố Sydney. Cảnh sát tin rằng, đó chỉ là một lời đe doạ vì tên này thực hiện vụ bắt cóc một mình.
 
Tuy nhiên, 16 giờ sau, Monis bị bắt chết và bà Mikhael rõ ràng là rất sốc sau vụ bắt cóc. Bà đã khóc vì hoảng sợ và cả bị thương. Bà này đã được cảnh sát đưa ra bên ngoài.
 
Hai nạn nhân khác thiệt mạng là là một người đàn ông 34 tuổi và một người phụ nữ 38 tuổi. Hai người này cùng với tên khủng bố Monis đều được đưa đến bệnh viện nhưng đã không qua khỏi vì những vết thương quá nặng.
 
4 người, trong đó có bà Mikhael, bị thương. Trong số này có một cảnh sát bị trúng đạn vào mặt nhưng được cho là sẽ sống sót.
 
Tại cuộc họp báo sáng nay sau khi vụ bắt cóc kết thúc, cảnh sát Sydney đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về hai nạn nhân thiệt mạng cho đến khi gia đình của họ được thông báo toàn bộ vụ việc.
 
Và những người khác trong quán cà phê thì may mắn hơn. Gia đình của bà Mikhael miêu tả bức ảnh chụp bà được cảnh sát đưa ra bên ngoài an toàn là bức ảnh đẹp nhất mà họ từng được xem.
 
Elly Chen – một sinh viên tài chính ở trường Đại học New South Wales, đang chuẩn bị cà phê và bánh sô cô la cho khách hàng thì tên bắt cóc Monis xuất hiện. Elly vốn là một vận động viên bơi lội có hạng và là một người chơi tennis cừ khôi. Cô gái trẻ này bị mắc kẹt trong quá cà phê 6 giờ đồng hồ trước khi có được cơ hội trốn thoát.
 
Bee Doyle – một người bạn của Elly cho biết, “tôi đã nhìn thấy hình ảnh tuyệt vời khi Elly chạy thoát ra ngoài. Ơn trời, thật là nhẹ cả người”. Em gái Nicole của Elly viết trên Facebook rằng: “Cuối cùng, em đã nhìn thấy chị. Em rất vui khi thấy chị đã an toàn!”
 
Một nam nhân viên giao hàng giấu tên cũng kể lại trải nghiệm kinh hoàng của anh này. Anh cho biết đã nhìn thấy cửa quán cà phê bị khoá lại và một người phụ nữ sốt ruột gõ cửa để mua cà phê. “Ngay sau đó, kẻ bắt cóc mở rút và rút ra khẩu súng chĩa về phía người phụ nữ rồi bắn cô. Người phụ nữ hoảng hốt chạy xuống cầu thang và hét lên Súng! Súng! Súng! Và chúng tôi chạy ra ngoài, vào Martin Place. Tôi nhìn thấy kẻ bắt cóc. Hắn ta cao lớn, có thể tầm 40 tuổi. Trông hắn ta rất bình tĩnh. Hắn đi đi lại lại và nhìn vào thang máy”.
 
Ray Hadley – một người dẫn chương trình của đài phát thanh 2GB, cho biết anh đã có 3 cuộc nói chuyện qua điện thoại với một trong những con tin và anh này có thể nghe thấy kẻ tấn công đưa ra các yêu cầu.
 
Theo lệnh của tên bắt cóc Monis, con tin đã đòi được truyền hình trực tiếp vụ việc. Tuy nhiên, Hadley đã từ chối yêu cầu, nói rằng anh không có chuyên môn hay kinh nghiệm để giải quyết tình huống này. “Truyền thông không thể đóng một vai trò trong việc đàm phán với những kẻ được cho là thuộc Nhà nước Hồi giáo đang bắt giữ con tin. Đây là công việc của các cơ quan chức năng”, Hadley cho biết thêm.
 
“Họ muốn chúng tôi nói những điều mà chúng tôi đơn giản là không thể nói”, Hadley cho hay.
 
Kathryn Chee – một nhân viên của quán cà phê Lindt, đáng ra sẽ phải thay ca một giờ sau khi xảy ra vụ bắt cóc con tin. “Tôi ớn lạnh cả người khi nghe tin. Rất may là tôi không có ở đó”.
 
Có lẽ người may mắn nhất là Craig Stoker. Anh này đã đụng mặt với Monis ngay khi bước xuống đường sau khi vừa mua xong cà phê ở quán Lindt. “Hắn ta mặc một chiếc áo sơ mi màu đen với dòng chữ màu trắng trên đó và đeo dải băng trên đầu. Hắn ta cầm một chiếc túi màu xanh”, Stoker - cha của 4 đứa con kể lại.
 
“Chiếc túi đó đã va phải người tôi và có gì cứng trong đó. Tôi đã nói với hắn ta rằng ‘"anh hãy đi cẩn thận". Anh ta quay lại và nói: "Mày có muốn tao bắn mày không? Tôi nhìn vào mắt anh ta và thấy chúng thật điên rồ. Tôi hơi hoảng sợ”, Stoker cho biết.

Vụ bắt cóc con tin ở Sydney cuối cùng cũng kết thúc sau 16 giờ đồng hồ bằng một vụ nổ súng kinh hoàng. Thảm kịch đã xảy ra khi có 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương.


Vân Linh - (theo Tele)

Ý kiến bạn đọc