(VnMedia) - Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, ông sẽ được đón tiếp rất khác so với những gì mà ông nhận được cách đây gần một thập kỷ. Khi đó, ông Modi đã bị Mỹ thẳng thừng từ chối khi tỏ ý muốn đến thăm nước này.
Tổng thống Obama vui mừng đón chào Thủ tướng Modi |
Tuy nhiên, cuộc bầu cử hồi tháng 5 đã đưa ông Modi vào vị trí Nhà lãnh đạo mới của nền dân chủ lớn nhất thế giới. Ở vị thế mới, Thủ tướng Modi đã được Mỹ trải thảm đỏ đón tiếp nồng hậu thay vì bị khước từ visa như trước đây.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ sẽ “phá tảng băng” trong mối quan hệ này bằng một bữa tiệc tối diễn ra ngày 29/9 theo giờ Mỹ, tức 30/9 theo giờ Việt Nam. Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama đang hướng tới mục tiêu khôi phục lại mối quan hệ vốn đang xấu đi giữa siêu cường số 1 thế giới và cường quốc hàng đầu Châu Á.
Tổng thống Obama đã thể hiện sự trọng vọng dành cho Thủ tướng Modi bằng một cuộc họp ở Văn phòng Bầu dục dự kiến diễn ra vào ngày mai (30/9 theo giờ Mỹ và 1/10 theo giờ Việt Nam). Đây là một điều đặc biệt bởi Tổng thống Mỹ hiếm khi dành đến hai ngày liên tiếp cho một vị nguyên thủ quốc gia của một nước.
Trong các cuộc gặp gỡ giữa hai bên, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi được cho là sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác về kinh tế, an ninh, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác nữa, Nhà Trắng cho biết.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về những mối quan ngại trong khu vực, trong đó có vấn đề Afghanistan – nơi Mỹ đang chuẩn bị kết thúc sự can thiệp quân sự kéo dài 13 năm qua. Ngoài ra, ông Obama và ông Modi cũng sẽ đề cập đến vấn đề Syria và Iraq trong bối cảnh Mxy đang dẫn đầu một liên minh quốc tế tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tổng thống Obama từng đến thăm Ấn Độ năm 2010 và khi đó, ông đã miêu tả quan hệ Mỹ-Ấn là “đối tác định hình” thế kỷ 21.
Chính quyền Obama rất muốn củng cố mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ nhằm củng cố liên minh khu vực đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc. Ngược lại, New Delhi cũng tìm đến Mỹ để làm đối trọng với nước láng giềng to lớn ở ngay sát nách và đang có cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng ở khu vực biên giới.
Ngoài ra, giữa Mỹ và Ấn Độ có nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế, quân sự, an ninh và hạt nhân.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc