Các cường quốc hợp sức bao vây, kiềm toả Nga

07:10, 26/04/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (25/4) thông báo, ông này sẽ có cuộc hội đàm với những nhà lãnh đạo Châu Âu then chốt trong vài giờ tới để bàn về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. 
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama


“Tôi sẽ lại có cuộc hội đàm với một số nhà lãnh đạo Châu Âu then chốt trong tối nay để đảm bảo rằng họ có chung sự đánh giá với tôi về những gì đã xảy ra kể từ hội nghị 4 bên ở Geneva. Như tôi nói ngày hôm qua (tức 24/5), chúng tôi đã có sẵn một loạt các biện pháp trừng phạt thêm nữa để tung ra nếu nhưng chúng tôi không thấy có bất kỳ bước thay đổi đáng chú ý nào trong các hành động của Nga”, ông chủ Nhà Trắng hôm qua đã nói như vậy tại cuộc họp báo của Hàn Quốc.
 
Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ và các nhà lãnh đạo Châu Âu đang đặt ra một nền móng cho các biện pháp trừng phạt nhằm vào những khu vực kinh tế của Nga. Đây sẽ là “những hậu quả lớn hơn rất nhiều” trong trường hợp tình hình leo thang hơn nữa hoặc “có sự xâm nhập của Nga vào lãnh thổ Ukraine”.
 
Mặc dù các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng đã đã lên tiếng chỉ trích Nga nhưng nhiều nước trong Liên minh Châu Âu (EU), trong đó có Czech và Slovakia, tỏ ra hoài nghi về việc áp dụng thêm các biên pháp trừng phạt vào Nga bởi điều đó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Châu Âu.
 
Trong khi đang có “sự dao động bên trong Châu Âu” và những mâu thuẫn giữa cách đánh gia của Mỹ và các nước Châu Âu, “chúng tôi muốn làm việc cùng với họ để bảo đảm rằng chúng ta có thể phối hợp hành động được càng nhiều càng tốt bởi điều đó sẽ giúp tối đa hóa được sức mạnh nỗ lực của chúng ta”, Tổng thống Mỹ phát biểu.
 
Trong khi đó, ông Obama nhắn nhủ rằng, sẽ là rất quan trọng nếu các nước không vội nói đến việc liệu các biện pháp trừng phạt Nga có giải quyết được vấn đề hay không.
 
“Cái chúng ta đang cố gắng làm là tiếp tục bắt Nga phải trả giá thêm nữa cho những hành động của họ trong khi vẫn để ngỏ khả năng đưa họ đi theo hướng khác. Và chúng ta sẽ tiếp tục giữ lại một số mũi tên trong ống để đề phòng trường hợp chúng ta phải chứng kiến tình hình xấu đi hơn nữa trong vài ngày tới hoặc vài tuần tới”, ông Obama phát biểu.
 
Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin bí mật cho hay, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italia Matteo Renzi sẽ tổ chức một hội nghị qua điện thoại để bàn về việc tung thêm biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
 
Trước đó, cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry đều tuyên bố, Mỹ đã chuẩn bị sẵn một loạt biện pháp trừng phạt để gây sức ép hơn nữa lên Nga. Cụ thể, Washington đang nhăm nhe áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt vào các khu vực kinh tế then chốt của Nga.
 
Tuy nhiên, ông Obama vẫn thận trọng cho biết, Mỹ cần phải đảm bảo có được sự ủng hộ của các nước đồng minh về việc cần phải áp dụng thêm áp lực về kinh tế đối với Moscow. Tổng thống Mỹ thừa nhận, những biện pháp trừng phạt mới có thể sẽ chẳng làm thay đổi được những “tính toán địa chính trị” của người đồng cấp Vladimir Putin.
 
Bằng cách thừa nhận Mỹ vẫn cần sự hợp tác từ các đồng minh trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Obama đã phơi bày ra thực tế về một trong những cản trở chính trong việc thiết lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga. Nhiều nước Châu Âu dựa vào nguồn năng lượng của Nga và vì thế, họ hoàn toàn không muốn gia tăng áp lực lên Moscow bởi điều đó đồng nghĩa với hành động làm tổn thương chính nền kinh tế của nước họ.
 
Cựu Tổng thống Mỹ: “Đừng làm tổn thương người Nga bằng các lệnh trừng phạt”
 
Trong khi giới chức Mỹ có vẻ hăng hái trong việc tìm cách áp đạt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga thì cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter mới đây đã lên tiếng khuyên rằng, phương Tây không nên tung ra các biện pháp trừng phạt thêm nữa có thể gây tổn thương đến nhân dân Nga.
 
"Cho đến thời điểm này, chúng ta đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế vào giới lãnh đạo Nga và tôi cho rằng đó là phương pháp tiếp cận đúng đắn”, vị cựu Tổng thống Mỹ từng đoạt giải Nobel Hòa bình đã bình luận như vậy bên lề cuộc hội thảo ở thủ đô Paris về tình hình biến đổi khí hậu.
 
"Tôi không nghĩ chúng ta nên tiếp tục đi xa thêm nữa để áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể làm tổn thương nhân dân Nga”, ông Carter nói thêm.
 
Ngay trước đó, Phó Tổng thống Mỹ đã cảnh báo Nga “sẽ bị bắt phải trả giá thêm nữa” và phải đối diện với “sự cô lập thêm nữa” nếu tiếp tục tìm cách “chia cắt Ukraine”.
 
Ông Carter – người nổi tiếng với vai trò làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình Cape David năm 1978 giữa Ai Cập và Israel đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, cho rằng việc Nga sáp nhập Crimea vào nước này là “điều không thể tránh khỏi”.
 
"Tôi không nghĩ rằng, Mỹ và các nước Châu Âu hay bất kỳ ai có thể làm một điều gì khác để ngăn chặn được thực tế đó. Nga luôn coi Crimea là một phần của họ”, ông Carter nói.
 
Vị cựu Tổng thống Mỹ cho hay, “ông hy vọng và tin tưởng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự” ở miền đông Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc