Khủng hoảng Ukraine: Ông Putin thách thức "thói đạo đức giả" phương Tây

12:51, 08/03/2014
|

(VnMedia) - Ông Simon Tisdall – một trợ lý biên tập và là một cây bút kỳ cựu phụ trách mảng đối ngoại của tờ The Guardian. Ông cũng từng là biên tập viên nước ngoài của tờ The Guardian và tờ The Observer cũng như từng là một phóng viên Nhà Trắng, một biên tập viên Mỹ ở Washington D.C. Ông này đã có bài viết thẳng thừng phê phán thói đạo đức giả của phương Tây. Bài viết của nhà phân tích Tisdall đã được đăng tải trên hãng tin CNN.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin


VnMedia
xin trích dẫn bài viết của ông Tisdall trên CNN:

 

Tất cả những phát biểu đao to búa lớn tự cho mình là lẽ phải, là đúng đắn ở Washington suốt trong những ngày gần đây về tình hình ở Ukraine đã dội vào tai những người Châu Âu và đặc biệt là Nga sau khi Mỹ đã dẫn dắt không biết bao nhiêu cuộc can thiệp quân sự vào các nước khác trong những năm qua. Rất khó để có thể nói cái gì là đáng kinh ngạc hơn: cách đối xử hai mặt hay còn được gọi là “tiêu chuẩn kép” của Nhà Trắng hay là sự thiếu ý thức, nhận biết một cách rõ ràng của giới chức Mỹ.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khiến người ta cảm thấy cực kỳ nực cười khi dám tuyên bố rằng, không thể chấp nhận được việc đi xâm lược một nước khác “dựa trên cái cớ hoàn toàn là do dựng lên” hay chỉ là bởi vì bạn không thích bộ máy lãnh đạo hiện nay. Phát biểu trên ngay lập tức nhắc người ta nhớ đến sự kiện Iraq năm 2003. Đó chính xác là lý do mà Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair khi đó đã làm khi họ “dựng lên” cái gọi là mối đe dọa về vũ khí hủy diệt hàng loạt của cố Tổng thống Saddam Hussein – người bị họ căm ghét, để đưa quân vào Iraq.

 

Giống như Saddam, giới lãnh đạo Taliban cầm quyền ở Afghanistan năm 2001 cũng gây ra sự khó chịu. Nhưng thay vì chỉ truy đuổi Osama bin Laden và nhằm mục tiêu vào những khu trại huấn luyện của Al-Qaeda sau loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, Tổng thống Bush khi đó cũng được sự ủng hộ của Thủ tướng Anh Blair đã lựa chọn phương án lật đổ chính quyền mà họ phản đối để dựng lên một chính quyền mới. Hậu quả thảm khốc của quyết định đó vẫn còn được cảm nhận cho đến 13 năm sau đó, ít nhất là với những người dân thường Afghanistan . Tình trạng thương vong của dân thường Afghanistan ngày một tăng lên NATO chuẩn bị rút toàn bộ quân ra khỏi chiến trường này.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama – một cựu giáo sư về luật chắc chắn sẽ phải hiểu biết rõ ràng hơn vấn đề này. Ông chủ Nhà Trắng đã thẳng thừng cáo buộc người đồng cấp Vladimir Putin về việc xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine , vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng cũng chính ông Obama, theo bước chân của cựu Tổng thống Bush, đã liên tiếp phớt lờ một cách ngang nhiên luật pháp quốc tế để phát động hay ủng hộ vô số cuộc tấn công vũ trang vào các miền đất có chủ quyền, có thể kể ra đây một vài trường hợp như Libya, Somali, Yemen và Pakistan. Những hành động của Mỹ được thực hiện mà không hề được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

 

Cũng chính chính quyền của Tổng thống Obama tiếp tục làm phương hại đến luật quốc tế khi từ chối tham gia hay từ chối thừa nhận Tòa án Hình sự Quốc tế - công cụ pháp lý quốc tế quan trọng nhất được hình thành từ năm 1945.

 

Và cũng chính Bộ Ngoại giao của chính quyền Obama, trực tiếp ở đây là Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland, đã liều lĩnh can thiệp một cách quá tay vào tình hình Ukraine trước cuộc khủng hoảng diễn ra hồi tháng trước ở quốc gia Đông Âu này. Bà này từng chửi thề Liên minh Châu Âu (EU) vì tức tối trước phản ứng của họ với tình hình Ukraine . Câu chửi thề của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã cho thấy mức độ Washington can thiệp, giật dây tình hình Ukraine một cách bất cẩn như thế nào và mục đích của họ là ủng hộ những đòi hỏi của lực lượng biểu tình ở thủ đô Kiev , phá hoại chính quyền của Tổng thống được bầu lên Yanukovych.

 

Liên minh Châu Âu thực tế muốn giải quyết mọi thứ ở Ukraine một cách từ từ hơn vì lo ngại kích động phản ứng của Nga – phản ứng mà Mỹ hiện đang kịch liệt phản đối. Khi Ngoại trưởng của các nước Đức, Pháp và Ba Lan, đại diện cho EU, đến đàm phán về một thỏa thuận nhượng bộ hôm 21/2 giữa chính quyền Ukraine với phe đối lập. Theo đó, Tổng thống Yanukovych đã chấp nhận tổ chức bầu cử sớm và thu hẹp quyền lực. Với thỏa thuận này, cuộc khủng hoảng Ukraine dường như đã được tháo ngòi. Nga không hề thích thỏa thuận đó nhưng sẵn sàng đi theo.

 

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, phe đối lập đã nhanh chóng xé bỏ thỏa thuận. Lực lượng này đã lật đổ Tổng thống Yanukovych và sa thải chính phủ. Moscow không thể không lo ngại về diễn biến tình hình ở nước láng giềng khi mà những ám ảnh đầy ác mộng về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II bắt đầu quay trở lại tâm trí họ với việc các thành phần phát xít mới ở Ukraine đang nằm trong số những người nắm quyền kiếm soát Kiev và họ đang trở thành một phần của chính phủ lâm thời mới ở Ukraine.

 

Mỹ gần như ngay lập tức nói lời “chúc phúc” cho cái mà điện Kremlin sau đó miêu tả là một cuộc “đảo chính” trong khi EU vì biết đó là điều Mỹ muốn nên chỉ đứng nhìn. Vì vậy, chẳng có gì là ngạc nhiên khi người Nga nổi giận trước cái mà họ xem là trò hai mặt của phương Tây.

 

Ngoại trưởng Sergei Lavrov từng bày tỏ “sự quan ngại cao nhất” về tình hình Ukraine trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức và Ba Lan. "Phe đối lập Ukraine không những không thực hiện bất kỳ điều nào trong cam kết mà họ không đưa ra trong thỏa thuận mà còn liên tục đưa ra những yêu cầu mới, sau khi lực lượng cực đoan lên dẫn dắt phe đối lập và có những hành động gây đe dọa trực tiếp đối với chủ quyền và trật tự hiến pháp Ukraine''. Nhưng bày tỏ của ông Lavrov đã quá muộn.

 

Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry dường như đã dịu lại kể từ cuộc khủng hoảng nổ ra. Những phát biểu đao to búa lớn về quyền quốc tế đã không còn được tung ra ồ ạt mặc dù chưa biến mất hoàn toàn. Tổng thống Obama đã nghe thấy nhiều tiếng nói ở Mỹ và xa hơn nữa về việc đây là cuộc khủng hoảng Đông-Tây tồi tệ nhất kể từ cuộc Chiến tranh Lạnh và đây cũng là thử thách đối ngoại lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông này.

 

Vì thế, hiện tại, ông Obama đang phải nỗ lực hết sức để đàm phán giải quyết tình hình. Trong cuộc điện đàm mới nhất với Tổng thống Putin hôm 6/3 tuần này, ông Obama đã đưa ra một kế hoạch để giải quyết tình hình bằng con đường ngoại giao, bao gồm cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moscow với Kiev, kêu gọi đưa quân Nga trở lại căn cứ và triển khai các thanh sát viên quốc tế để đảm bảo quyền cho người dân ở Crimea, trong đó có những người gốc Nga.

 

Tuy nhiên, đừng vội thở phào nhẹ nhõm bởi Tổng thống Putin không vội vàng dừng lại hay rút lui. Ông ấy đã “giơ móng vuốt” sau một nửa tháng ông đã phơi bày, vạch mặt thói đạo đức giả và giả dối của giới chính khách phương Tây cũng như trong chính sách đối ngoại của phương Tây. Hơn nữa, Nhà lãnh đạo Nga còn tính đến một tiền lệ. Những cuộc đối đầu tương tự còn được gọi là “xung đột lạnh” và quyền của những người dân tộc bị cô lập ở những nơi khác trong phạm vi ảnh hưởng của Nga như Gruzia, Moldova, Armenia, Nagorno-Karabakh, và có thể là Belarus cũng như các nước Baltic. Tổng thống Putin đang muốn đặt ra một dấu mốc, thậm chí khi ông này đang biến Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry thành những kẻ ngốc.

 

Dù ai nghĩ gì ở Washington và thị trường tài chính biến đổi thế nào, cách xử lý tình hình Ukraine của ông Putin đang giúp ông ghi điểm cho mình. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỉ lệ người dân Nga ủng hộ Tổng thống đang tăng mạnh. Và một điều giới lãnh đạo phương Tây cần phải học là đừng bao giờ đánh giá thấp một đối thủ như ông Putin.


Kiệt Linh - (theo CNN)

Ý kiến bạn đọc