Thủ tướng Nhật lại chọc tức Trung Quốc

11:29, 03/01/2014
|

(VnMedia) - Vào năm 2020, Nhật Bản sẽ sửa đổi hiến pháp hòa bình – một bản hiến pháp do Mỹ chắp bút trong đó giới hạn hoạt động của quân đội Nhật Bản chỉ ở mức phòng vệ, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố như vậy trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài.

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Abe


Phát biểu trên của ông Abe được đăng tải trên tờ nhật báo theo đường lối bảo thủ Sankei Shimbun đúng ngày đầu năm mới (1/1/2014). Theo thông báo của Nhà lãnh đạo Nhật Bản, bản hiến pháp của nước ông sẽ được sửa đổi sau khi Tokyo tổ chức Thế Vận hội Olympic vào năm 2020. Điều 9 trong bản hiến pháp của Nhật Bản cấm sử dụng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế đồng thời kêu gọi tạo dựng hòa bình bằng cách sử dụng công lý và trật tự. Điều khoản này đã được thêm vào bản hiến pháp của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

 

“Với khao khát chân thật đối với hòa bình thế giới dựa trên công lý và trật tự, người dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của quốc gia và từ bỏ dùng vũ lực như phương tiện để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế”, Điều 9 trong Hiến pháp của Nhật Bản đã nói rõ như vậy. Thủ tướng Abe sau khi lên cầm quyền đã nói rằng, bản hiến pháp này cần phải được xem xét lại, sửa đổi lại cho thích hợp với thời đại thay đổi hiện nay bởi nó đã được viết ra từ cách đây hơn 6 thập kỷ.

 

Việc Tokyo muốn sửa đổi hiến pháp hòa bình chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “nhảy dựng” lên. Trước đó, Bắc Kinh từng “sôi lên sùng sục” khi Nhật Bản tuyên bố muốn xây dựng một quân đội theo hướng chủ động hơn, đóng góp vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ hòa bình thế giới.

 

Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng nói về tầm quan trọng của việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trước sự hung hăng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh hồi tháng 11 vừa rồi đã “đốt nóng” căng thẳng trong khu vực khi bất ngờ tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông, trong đó bao trùm các khu vực lãnh thổ tranh chấp với hai nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Các nghị sĩ Nhật Bản đã phản ứng cực kỳ giận dữ và gay gắt trước hành động trên của Trung Quốc, cáo buộc chính phủ nước láng giềng “bất cẩn và mạo hiểm” đồng thời tìm cách thay đổi “thế nguyên trạng” trong khu vực. Về phần mình, Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản kiềm chế, không được cho những hành động khiêu khích cũng như khôi phục lại mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia Châu Á.

 

Hai cường quốc hàng đầu Châu Á đã có cuộc đối đầu về ngoại giao suốt trong năm qua vì tranh chấp một quần đảo được Tokyo gọi là Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Mặc dù Nhật Bản đang nắm quyền quản lý quần đảo này nhưng Trung Quốc được cho là đang tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở đây.

 

Căng thẳng bắt đầu bùng lên đến cao độ khi Thủ tướng Abe hồi tuần trước bất ngờ đến thăm đền thờ chiến tranh ở thủ đô Tokyo – nơi được các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản thời trước và trong thế chiến II. Chuyến thăm của ông Abe đến đền thờ chiến tranh đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn về lập trường của ông này trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Thủ tướng của ông. Khi đó, ông Abe đã tránh đến đền thờ chiến tranh để duy trì mối quan hệ Trung-Nhật.

 

"Nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân của các nước Châu Á khác sẽ không cho phép Nhật Bản đảo ngược lịch sử. Chúng tôi nghiêm túc kêu gọi Nhật Bản hãy suy ngẫm về lịch sử và thay đổi hướng đi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hua Chunying mới đây đã nói như vậy trong tuyên bố được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

 

Khi Thủ tướng Abe lên cầm quyền hồi tháng 12 năm ngoái, ông đã cam kết khôi phục lại mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, một năm trôi qua mà quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới không những không được hồi phục mà còn ngày một xấu đi do một loạt mâu thuẫn chưa thể giải quyết giữa hai nước.


Kiệt Linh - (theo RT)

Ý kiến bạn đọc