Áo đỏ “đấu” với quân đội để bảo vệ Thủ tướng?

09:14, 30/01/2014
|

(VnMedia) - Lực lượng “áo đỏ” ủng hộ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới đây tuyên bố, họ sẵn sàng chống lại bất kỳ nỗ lực nào của quân đội nhằm phát động một cuộc đảo chính.
 

Ảnh minh họa

Cựu Thủ tướng Thaksin - nhân vật gây chia rẽ sâu sắc trên chính trường Thái Lan.


Theo những người ủng hộ Thủ tướng Yingluck, bà này có thể sẽ thiết lập chính quyền ở Chiang Mai - đại bản doanh của lực lượng áo đỏ, nếu như quân đội nhảy vào can thiệp trên chính trường và chiếm quyền ở thủ đô Bangkok.
 
Thái Lan đang rơi trở lại vào vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài đã 8 năm qua. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ cuộc đối đầu gay gắt và không khoan nhượng giữa một bên là lực lượng áo vàng chống cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là lực lượng áo đỏ ủng hộ ông này cũng như các đồng minh của ông, bao gồm Thủ tướng lâm thời Yingluck.
 
Mặc dù ông Thaksin đã rời xa chính trường và đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 nhưng vị cựu chính khách này vẫn là một nhân vật đầy ảnh hưởng và quyền lực trên chính trường Thái Lan. Ông Thaksin là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan ngày nay. Trong khi cựu Thủ tướng Thaksin bị các tầng lớp hoàng gia, trung lưu và thành thị ghét cay ghét đắng thì ông này lại rất được lòng người dân ở các vùng nông thôn. Nhờ một loạt chính sách dân túy làm lợi cho người dân nghèo, người dân nông thôn, ông Thaksin đã xây dựng cho mình một lực lượng ủng hộ rộng khắp, chiếm đa số trong dân chúng Thái Lan. Đó là lý do khiến ông cùng với các đồng minh của mình giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử được tổ chức kể từ năm 2001 đến giờ.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan được châm ngòi từ hồi tháng 11 năm ngoái. Lực lượng biểu tình (thực chất là phe áo vàng) đang dồn ép chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck để buộc bà này phải từ chức. Mục tiêu mà lực lượng biểu tình tuyên bố hướng tới là xóa sạch ảnh hưởng của ông Thaksin và gia đình Shinawatra ra khỏi chính trường Thái Lan.
 
Khi những người biểu tình mỗi lúc một leo thang trong hành động của họ thì phe áo đỏ ủng hộ Thủ tướng Yingluck bắt đầu lên tiếng. Những người áo đỏ cứng rắn ở phía bắc Thái Lan hôm qua (29/1) đã tuyên bố, họ sẵn sàng chống lại bất kỳ nỗ lực nào của quân đội nhằm thực hiện một cuộc đảo chính quân sự mới. Phe biểu tình đang tìm cách lôi kéo quân đội vào chiến dịch mà họ phát động nhằm lật đổ bà Yingluck. Mặc dù quân đội liên tục tuyên bố đứng trung lập trong cuộc “đấu” hiện nay giữa phe áo vàng và áo đỏ nhưng có một vài dấu hiệu khiến lực lượng áo đỏ lo ngại khả năng tái diễn một cuộc đảo chính quân sự mới.
 
Một số người áo đỏ còn thể hiện mong muốn, nữ Thủ tướng Yingluck của họ rút về Chiang Mai và thành lập chính phủ ở đây nếu quân đội tìm cách chiếm quyền ở thủ đô Bangkok trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục leo thang.
 
Trong khi một số chuyên gia cho rằng, việc thay đổi trụ sở của chính phủ là viễn cảnh hầu như không thể xảy ra thì nhiều người ủng hộ chính phủ như nhà hoạt động áo đỏ Mahawang Kawang tin rằng, phong trào của họ đủ lớn để thách thức quân đội quyền lực vốn có xu hướng ngả về các tầng lớp hoàng gia, trung lưu và thành thị.
 
"Chúng tôi không sợ. Tất cả các nhóm áo đỏ sẽ đoàn kết lại với nhau. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình”, ông Kawang – Chủ tịch Hiệp hội Trường Đại học Yupparaj ở Chiang Mai – nơi bà Yingluck từng là một sinh viên ở đây, đã tuyên bố đầy cứng rắn như vậy.
 
"Chính phủ có thể chuyển đến Chiang Mai. Chúng tôi có thể đánh bại xe tăng bởi chúng tôi có sức mạnh về quân số”, ông Kawang cho biết thêm.
 
Phe biểu tình chống chính phủ đang tìm mọi cách để phá vỡ kế hoạch bầu cử mà chính quyền của bà Yingluck đang thúc đẩy thực hiện cho bằng được.
 
Một người áo đỏ ủng hộ chính phủ - ông Pichit Tamoon cho biết: “Chúng tôi có lực lượng cảnh sát sát cánh bên mình và cùng với khu vực đông bắc, chúng tôi có sự ủng hộ của 37 tỉnh. Bà Yingluck sẽ giành chiến thắng”. Ông Pichit cũng là Tổng thư ký của Mặt trận Dân chủ Thống nhất Chống Độc tài (UDD) ở Chiang Mai.
 
Một thủ lĩnh áo đỏ khác – ông Supon Fumuljaroen tuyên bố: “Đa số người áo đỏ thực sự thích ý tưởng một quốc gia riêng rẽ. Nếu họ phát động một cuộc đảo chính, chúng tôi có thể sống mà không cần Bangkok”. Ông Supon là bạn cùng lớp cũ của cựu Thủ tướng Thaksin và hiện đang là Phó Chủ tịch của UDD ở tỉnh Chiang Mai. Ông này cũng là một cựu cảnh sát.
 
Nhận định về diễn biến trên, bà Pinkaew Laungaramsri – một nhà xã hội học ở trường Đại học Chiang Mai, cho rằng, sự chia rẽ bắc-nam đồng nghĩa với việc đất nước Thái Lan bị xẻ làm hai. “Nếu chính phủ bị lật đổ thì bà Yingluck sẽ được mời thành lập một chính phủ ở ngay Chiang Mai”, bà Pinkaew nói.
 
Không phải tất cả các nhà quan sát đều tin rằng, kết cục trên có thể duy trì. Ông Pavin Chachavalpongpun – một nhà phân tích Đông Nam Á ở trường Đại học Kyoto, bình luận, đất nước Thái Lan có thể chia làm hai như kịch bản nói trên nhưng không được sự công nhận của cộng đồng quốc tế thì điều này không thể xảy ra.
 
Tuy nhiên, việc phe áo đỏ tuyên bố sẵn sàng đối đầu với quân đội và sẵn sàng thành lập một nhà nước riêng rẽ đã cho thấy sự quyết liệt của lực lượng này trong việc bảo vệ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck. Điều này phơi bày thực tế về mâu thuẫn khó có thể hóa giải giữa phe áo vàng và áo đỏ. Cuộc khủng hoảng chính trường Thái Lan vì thế khó có thể tìm thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc