“Mỹ đừng mơ lật đổ được Assad”

11:48, 26/01/2014
|

(VnMedia) - "Pháp, Anh và Mỹ không hề biết chuyện gì đang xảy ra ở đây”, một nhà ngoại giao nước ngoài ở Syria đã nói như vậy vào mùa hè năm 2012. Vào thời điểm đó, một người bên ngoài vẫn có thể nghĩ rằng sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ còn tính bằng ngày. Thậm chí, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ còn miêu tả chính quyền của ông Assad như là “một xác chết biết đi”.

 

Ảnh minh họa

Hình ảnh một cuộc diễu hành thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Bashar al-Assad


Tuy nhiên, với những người không phải phương Tây sống nhiều năm ở Syria họ không tin mấy vào những dự đoán trên. Họ bác bỏ những thông tin được đăng tải trên báo chí Mỹ và phương Tây dự báo về sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad. Theo những người này, Tổng thống Assad vẫn được lòng dân ở những cộng đồng thiểu số. Ngoài ra, sự trung thành của quân đội với với Nhà lãnh đạo Assad gần như là tuyệt đối.

 

Hiện tại, ông Assad còn mạnh hơn rất nhiều so với cách đây 15 tháng. Bất chấp tất cả những dự đoán về sự đổ vỡ của chính quyền Assad, bộ máy cầm quyền Đảng Baath của ông này vẫn là một đặc điểm ổn định duy nhất ở Syria . Bất chấp tình trạng bạo lực đẫm máu và giết chóc, cuộc sống hàng ngày ở thủ đô Damascus – thành trì quyền lực của Tổng thống Assad, phần lớn vẫn diễn ra như trước đây. Không có những cuộc “đào ngũ” lớn và quan trọng nhất là quân đội Syria dù đã mất hơn 30.000 người vẫn tiếp tục thề trung thành với Nhà lãnh đạo của họ. Trong hơn 2 tháng qua, lực lượng này đã giành chiến thắng liên tiếp trên chiến trường, chiếm lại một loạt lãnh thổ từng mất vào tay phe nổi dậy trước đó ở bên ngoài thủ đô Damascus .

 

Tuy nhiên, thay vì xác định lại phản ứng của mình, Washington vẫn khăng khăng bám chặt vào mục tiêu chính sách hạn hẹp của họ: đó là lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi giữa tuần đã lại một lần nữa nhắc đến mục tiêu trên trong bài phát biểu ở Thụy Sỹ - nơi lần đầu tiên diễn ra cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính phủ Syria và phe đối lập. Đây rõ ràng là một sự kỳ vọng không thực tế. Mỹ còn lâu mới đạt được mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad trong khi việc bám chặt vào mục tiêu này chỉ khiến bạo lực thêm kéo dài. Đại diện của chính phủ Syria không đến bàn đàm phán ở hội nghị Geneva II để ném đi những chiến thắng mà lực lượng của họ giành được trên chiến trường trong suốt thời gian qua. Cái gọi là Thông cáo Geneva mà ông Kerry dựa vào đó để đưa ra yêu cầu trên thực tế lại hoàn toàn không đả động đến mục tiêu loại bỏ Tổng thống Assad.

 

Và chắc chắn, Nhà lãnh đạo Syria không thể lùi bước nếu không có sự đe dọa vùng vũ lực thực sự từ Mỹ. Ông Kerry tuần này đã nói rằng, Mỹ vẫn “đặt lên bàn” sự lựa chọn về việc đe dọa dùng vũ lực với chính quyền Assad. Tuy nhiên, trên thực tế, các lựa chọn của Washington bị giới hạn bởi thực tế gây khó xử là phe đối lập đến Thụy Sỹ để tranh giành quyền lực với Tổng thống Asad lại chẳng có được một số lượng cử tri ủng hộ đáng kể ở Syria. Các thành viên của phái đoàn đối lập Syria đến Geneva II có rất ít ảnh hưởng đến cuộc chiến của phe nổi dậy chống lại quân chính phủ Syria .

 

Phần lớn khu vực lãnh thổ ở Syria không nằm trong sự kiểm soát của quân chính phủ lại rơi vào quyền quản lý của các phe nhóm nổi dậy có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda trong khi những nhóm này tẩy chay hội nghị Geneva II. Lực lượng nổi dậy có liên quan đến Al-Qaeda cuối cùng sẽ lại là thành phần vô tình được hưởng lợi từ bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm lật đổ ông Assad.

 

Thậm chí, các phe nhóm nổi dậy “ôn hòa” trong lực lượng đối lập Syria dường như cũng nằm ngoài quyền kiểm soát của Washington . Các cuộc đàm phán hòa bình ở Thụy Sỹ được Mỹ rất coi trọng và đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, những thành viên của phe đối lập Syria liên tục đe dọa sẽ rút khỏi đàm phán nếu các yêu cầu của họ không được thực hiện. Phe đối lập đã thành công trong việc gây sức ép để loại Iran ra khỏi bàn đàm phán ở hội nghị Geneva II. Ngoại trưởng Kerry trong nhiều tuần liền đã tìm cách để tìm kiếm một ghế đại diện cho Iran bởi ông này hiểu rằng, với tư cách là một cường quốc khu vực ủng hộ Syria trong cuộc nội chiến hiện nay, sự có mặt của Iran là vô cùng thiết yếu cho việc hướng tới những tiến bộ trong tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ khiến Ả-rập Xê-út nổi giận bởi nước này hoàn toàn không thoải mái trước mối quan hệ ấm lên giữa Washington với kẻ thù Tehran .

 

Tất cả những lý do phân tích ở trên giải thích cho việc tại sao Tổng thống Assad có thể chế nhạo những cuộc đàm phán hiện nay như là một “trò đùa”. Quyết định cử phái đoàn đến tham dự hội nghị Geneva II của Tổng thống Assad thực sự chỉ là để chiều lòng đồng minh thân thiết hàng đầu của họ là Nga. Cường quốc này đã nỗ lực rất nhiều để ngăn chặn việc Mỹ tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria hồi năm ngoái. Moscow đang cố thể hiện sự hữu dụng của biện pháp ngoại giao trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

 

Tuy nhiên, bộ khung mà các cuộc đàm phán hiện nay đang dựa vào được cho là không còn thích hợp vào thời điểm này. Được đưa ra vào giữa năm 2012, bộ khung đó kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp dựa trên sự đồng thuận chung của các bên, đối thoại quốc gia và bầu cử tự do. Tuy nhiên, bộ khung này khó mà có thể thực hiện như thời điểm năm 2012 khi chính quyền Tổng thống Assad còn đang yếu thế, phe nổi dậy đoàn kết và cụm từ Cách mạng Mùa xuân Ả-rập đang còn có tác dụng.

 

Người ta cho rằng, tham vọng của Mỹ giờ đây nên là chấm dứt bạo lực thay vì tìm cách lật đổ Tổng thống Assad. Washington cũng nên hướng tới mục tiêu tìm kiếm một thỏa thuận chia sẻ quyền lực tập trung vào hòa giải dân tộc thay vì nhăm nhăm đòi thay đổi chính quyền ở Syria . Cuối cùng, siêu cường số 1 thế giới nên gây áp lực buộc các đồng minh của mình ở Ả-rập Xê-út và Qatar hủy bỏ ngay sự giúp đỡ, hậu thuẫn cho các lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan. Nếu không, ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt ở Syria có thể sẽ sớm bao trùm cả phương Tây.


Kiệt Linh - (theo CNN)

Ý kiến bạn đọc