(VnMedia) - Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (6/10) đã lên tiếng bác bỏ những lo ngại mà phía Nhật Bản đặt ra liên quan đến “cái gọi là an ninh hàng hải và các hoạt động hàng hải của Trung Quốc”.
Nhật Bản đang tăng cường tìm kiếm, thắt chặt liên minh với các nước khác để làm đối trọng với Trung Quốc. |
Phát ngôn viên Qin Gang đã đưa ra phát biểu về vấn đề trên khi được phóng viên đề nghị bình luận về nỗi lo lắng của Nhật Bản tại một cuộc họp báo trước thềm Hội nghị không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 21 ở hòn đảo nghỉ dưỡng Bali, Indonesia. Hội nghị này sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày: hôm nay (7/10) và ngày mai (8/10).
Trước đó, trong một cuộc họp ăn sáng không chính thức giữa ngoại trưởng các nước tham dự hội nghi APEC hôm 5/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida được cho là đã nêu ra mối quan ngại về vấn đề an ninh hàng hải và các hoạt động hàng hải của Trung Quốc.
Theo lời ông Qin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Li Baodong ngay tại lúc đó đã đáp trả lại rằng, APEC là một diễn đàn hợp tác thương mại và kinh tế. Diễn đàn này đã giữ truyền thống trong nhiều năm nay là không đề cập đến các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị và các cuộc tranh chấp nhạy cảm.
Một nước nào đó cố tình “thổi phồng” mọi thứ chỉ vì các mục tiêu chính trị riêng sẽ không được các nước khác chấp nhận và sẽ đối mặt với thất bại, phát ngôn viên Qin dẫn lời Thứ trưởng Li nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, không có vấn đề gì đối với tự do hàng hải và an ninh hàng hải trong khu vực. Chính phủ Trung Quốc luôn theo đuổi lập trường rằng an ninh hàng hải cho tất cả mọi người đều cần phải được bảo vệ. Trung Quốc tham gia tích cực vào các mối quan hệ hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực và ai cũng có thể nhìn thấy rõ điều đó, ông Qin đã khẳng định như vậy.
Ông này nói thêm, việc thổi phồng cái gọi là vấn đề an ninh hàng hải không có lợi cho nỗ lực thực sự trong việc bảo vệ tự do hàng hải và an ninh hàng hải.
Những phát biểu cứng rắn và đầy tức giận trên của phía Trung Quốc được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida hôm 5/10 đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước những hoạt động hải quân ngày càng quyết liệt và hung hăng của Trung Quốc tại cuộc họp giữa các bộ trưởng trong khuôn khổ hội nghị APEC ở Indonesia.
Phản ứng tức giận của Trung Quốc cũng được đưa ra sau khi Mỹ, Nhật Bản và Australia đưa ra một tuyên bố chung hôm 4/10 trong đó thể hiện sự phản đối đối với “những hành động dọa dẫm, ép buộc đơn phương” trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây được xem là một thông điệp sắc lạnh mà 3 cường quốc trên muốn nhằm thẳng vào Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc leo thang nghiêm trọng trong suốt một năm qua sau khi Tokyo mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong sự quản lý của Tokyo nhưng Bắc Kinh đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Trong suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thuyền và sau này là cả máy bay chiến đấu đến tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nhằm thách thức quyền quản lý của Nhật Bản ở đây. Trong cuộc tranh chấp này, Nhật Bản đã quyết liệt đối đầu với Trung Quốc. Nước này ra sức củng cố sức mạnh quân sự đồng thời tăng cường tìm kiếm liên minh để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.
Ngoài tranh chấp ở biển Hoa Đông, Trung Quốc còn liên quan đến những cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông. Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Các nước và vùng lãnh thổ đều hết sức bất bình trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc thông qua yêu sách đường 9 đoạn.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc