Báo Mỹ: "Tướng Giáp ngang tầm với Alexander đại đế"

18:08, 06/10/2013
|

(VnMedia) - “Ông ấy sánh ngang với các nhà chỉ huy quân sự vĩ đại thế kỷ 20. Ông ngang tầm với Alexander đại đế. Ông ấy vượt trội hơn Napoleon, vượt trội hơn tất cả các tướng của chúng ta (ý nói tướng Mỹ - PV). Ông ấy là một con người vĩ đại của mọi thời đại”, NPR dẫn lời ông Cecil Currey, nhận định về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Cecil Currey hiện là giáo sư lịch sử quân sự đã nghỉ hưu. Ông là tác giả cuốn Victory at any cost (tạm dịch: Chiến thắng bằng mọi giá), viết về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông đã đưa ra nhận định trên trong một buổi thảo luận về vị danh tướng của Việt Nam trên NPR, một trong những đài phát thanh hàng đầu của Mỹ hôm 5/10.

Ảnh minh họa
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tại buổi thảo luận, Renee Montagne, nhà báo Mỹ kiêm người dẫn chương trình của NPR, cho rằng đối với nhiều người Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được biết đến như là "kiến trúc sư" của chiến dịch quân sự đã làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam. “Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 đã khiến các chỉ huy Mỹ hoàn toàn bất ngờ, nổ ra trên khắp miền nam Việt Nam và cho thấy khả năng Mỹ chiến thắng là không thể”, bà Renee nhận định.

Được biết, nhiều học giả, nhà sử học, truyền thông và cả chính khách nước ngoài đã bày tỏ sự nuối tiếc khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, đồng thời cũng thán phục tài năng của Đại tướng.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời, một nhà chiến lược quân sự tài ba, người từng nói với tôi rằng chúng ta là “kẻ thù danh dự” của nhau”, AFP trích bình luận trên Twitter của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, từng là cựu phi công bị cầm tù trong thời chiến tranh Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định Tướng Giáp là “nhân vật anh hùng và mang tính huyền thoại của Việt Nam”.

Khi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, sử gia người Pháp Hugues Tertrais đã bày tỏ sự thán phục và nhận định: “Chưa đầy 6 tháng sau trận Điện Biên Phủ, cuộc Cách mạng Algeria (cuộc chiến đã giúp Algeria giành được độc lập từ tay thực dân Pháp) đã nổ ra với các cuộc tấn công trong ngày lễ các thánh (1.11.1954). Điện Biên Phủ chính là động lực để cuộc chiến này bùng phát”.

Hãng tin AP hôm 4.10 cho biết chiến thắng Điện Biên Phủ - đề tài nghiên cứu của các trường (học viện) quân sự trên toàn thế giới - không chỉ mang lại nền độc lập cho Việt Nam mà còn đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở khu vực Đông Dương cũng như trên phạm vi thế giới.

Như một võ sỹ quyền anh

Trong khi đó, báo Washington Post danh tiếng của Mỹ lại ví Đại tướng như một "võ sỹ quyền anh".

“Ông dùng chiến thuật đôi lúc giống như võ sĩ quyền anh, tức là nắm lấy đai của đối thủ kéo lại gần để nắm đấm có hiệu quả cao”, báo Washington Post mô tả chiến thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài viết rất dài để giải thích tại sao quân Mỹ và Pháp lại thất bại ở Việt Nam, và tại sao Đại tướng trở thành một huyền thoại của đất nước.

Washington Post viết, cùng với vị lãnh tụ Cộng sản Hồ Chí Minh, qua đời năm 1969, và cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, qua đời năm 2000, Tướng Giáp được người dân cả nước tôn thờ như một trong những bậc sáng lập đất nước. Đối với các học giả quân sự khắp thế giới, ông là một trong những chiến thuật gia quân sự hàng đầu của thế kỷ 20 đã vận dụng thành công lối chiến tranh du kích cách mạng hiện đại.

Từ một nhóm gồm 34 người thanh niên nghèo khó tập hợp lại trong khu rừng ở miền Bắc Bắc Việt Nam năm 1944, Tướng Giáp đã gây dựng một đơn vị chiến đấu để trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dù số lượng ít và vũ khí thô sơ, nhưng 34 thanh niên này cùng thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của nước ngoài, thề không giúp đỡ hay hợp tác với bất kỳ chính quyền thực dân hay ngoại bang nào.

Tháng 8/1945, thời điểm quân Nhật đầu hàng và Thế chiến II kết thúc, đội quân này đã lên tới 5.000 người. Trong suốt gần 3 thập kỷ, Tướng Giáp đã lãnh đạo đội quân của mình chống lại những kẻ thù được trang bị, chu cấp và ăn uống đầy đủ hơn nhiều lần. Năm 1954, ông đã chấm dứt thành công 70 năm nền thống trị thuộc địa của quân Pháp ở Đông Dương, đem lại thất bại thảm hại cho quân đồn trú Pháp trong cuộc bao vây 55 ngày quanh vùng tiền đồn núi non hiểm trở ở Điện Biên Phủ.

Đối với hàng triệu người dân Việt Nam, đây không chỉ đơn là một chiến thắng quân sự, mà là chiến thắng trên mặt trận tâm lý và đạo đức trước ách áp bức thuộc địa mà họ vô cùng căm phẫn. Vì thế, Tướng Giáp được coi là một huyền thoại của dân tộc.

21 năm sau, vào ngày 30/4/1975, Sài Gòn sụp đổ, chấm dứt cuộc chiến kéo dài và cay đắng giữa quân đội Cộng sản miền Bắc và chính phủ miền Nam được cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ hậu thuẫn. Trước đó 3 năm, Tướng Giáp không còn là vị chỉ huy tối cao trên chiến trường nữa, ông đứng nhìn lặng lẽ đội quân mà mình đã tạo ra và dẫn dắt đang giành lấy thủ phủ của kẻ thù. 25 năm sau, nhớ lại giờ phút sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, Tướng Giáp nói rằng đó là “thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi”.

Trong sự nghiệp của mình, Tướng Giáp đã chỉ huy hàng triệu người trong các đơn vị quân đội chính quy, được hỗ trợ bởi rất nhiều đội tự vệ và dân quân địa phương ở các thôn xóm trên khắp Việt Nam. Ông đi đến những khu vực xa xôi nhất để tuyển mộ binh lính, và ông học được nghệ thuật chiến đấu theo một cách cổ xưa: chiến đấu.

Khiến kẻ thù ngán ngẩm

Ông đã vận dụng mọi phương thức, từ chiến tranh du kích, phá ngầm, tình báo, và chiến đấu trên chiến trường, với sự tham gia của càng nhiều người dân càng tốt. Phụ nữ nông thôn bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược và thực phẩm cho quân du kích ẩn náu. Trẻ em làm nhiệm vụ đưa tin về hoạt động của quân lính trong làng nơi chúng sinh sống. Mọi người lúc nào cũng canh chừng máy bay Mỹ.

“Mọi người dân đều là lính. Mọi làng mạc thôn xóm đều là pháo đài, cả nước chúng ta là một chiến trường rộng lớn để kẻ thù bị bao vây, tấn công và đánh bại”, Washington Post trích lời Đại tướng nói về cuộc chiến toàn dân của Việt Nam.

Để sống sót, vị chỉ huy này buộc phải linh hoạt và thích nghi với hoàn cảnh. Khi quân Mỹ liên tục dội bom đạn khốc liệt, ông đã dùng chiến thuật đôi lúc giống như võ sĩ quyền anh là nắm lấy đai của đối thủ kéo lại gần để nắm đấm có hiệu quả cao.

Khi đánh giáp lá cà, bom đạn của kẻ thù sẽ được sử dụng hạn chế, nhưng bộ đội Việt Nam phân chia thành nhiều tốp nhỏ lại hoạt động hiệu quả hơn. Cuối cùng thì Tướng Giáp đã khiến quân Pháp ngán ngẩm vì cái giá phải trả cho cuộc chiến ở Đông Nam Á. Mỹ cũng vậy, khi 58.000 quân Mỹ chết trong cuộc chiến không mang lại điều gì ngoài sự bế tắc.

“Đế quốc Mỹ muốn đánh nhanh thắng nhanh, nên cuộc chiến kéo dài sẽ là trở ngại lớn của họ. Tinh thần của họ thấp hơn cỏ... Người Mỹ không hiểu rằng chúng tôi có bộ đội khắp nơi nên rất khó để khiến chúng tôi bất ngờ”, Đại tướng từng giải thích về chiến thuật quân sự của mình.

Ít nhất một chỉ huy quân sự của Mỹ đã nhận ra chiến lược này ngay từ đầu những năm Mỹ dính líu đến Việt Nam. Chỉ huy lục chiến Mỹ Victor Krulak, trong sổ ghi nhớ năm 1966 gửi tới Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara, viết rằng Tướng Giáp “chắc chắn nghĩ là nếu chi phí thương vong và tài chính lớn thì Pháp sẽ tự thất bại ở Paris. Ông ấy đã đúng. Có vẻ ông ấy cũng suy nghĩ tương tự đối với Mỹ”.

“Dùng mồi nhử, phục kích và khiến lính Mỹ phẫn nộ” là chiến thuật của Tướng Giáp. “Kẻ thù có thể đông hơn bạn 10 lần, nhưng nếu bạn buộc họ phải phân tán lực lượng thì bạn có thể đông hơn họ 10 lần ở nơi mà bạn chọn để tấn công họ”, Đại tướng từng viết.

Kết quả là Mỹ chính thức chấm dứt hiện diện tại Việt Nam vào tháng 1/1973 với việc ký kết hiệp ước hòa bình và rút quân. Thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội Nam Việt Nam cũng sụp đổ 2 năm sau đó.


(tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc