(VnMedia) - Nếu Triều Tiên thực sự phóng thử một tên lửa tầm trung Musudan như các nước đồn đoán thì điều này có thể giúp dập tắt những tranh cãi trong cộng đồng giới chuyên gia và phân tích xung quanh khả năng thực sự của các tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên. Như vậy, việc Bình Nhưỡng thử tên lửa vô tình lại làm lộ bí mật quốc gia về loại vũ khí tối tân mà các cường quốc bao lâu nay vẫn muốn tìm hiểu.
Ảnh minh họa |
Triều Tiên dường như đã sẵn sàng tiến hành một vụ phóng tên lửa bất kỳ lúc nào. Đó là nhận định được Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đưa ra tại một cuộc họp với các nghị sĩ ngày hôm qua (10/4). Theo ông này, khả năng xảy ra một vụ phóng tên lửa mới từ Triều Tiên là “tương đối cao”. Hầu hết các nguồn tin đều phỏng đoán, tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ được phóng đi trong khoảng thời gian từ 10 đến 15/4.
Ngày 10/4 đã đi qua mà không có bất kỳ diễn biến nào liên quan đến tên lửa Triều Tiên xảy ra. Giới phân tích hiện tại đổ xô vào kịch bản, ngày phóng tên lửa có thể sẽ rơi vào 15/4 - thứ Hai tuần sau. Đây là thời gian trùng với dịp kỷ niệm sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Triều Tiên vốn có “truyền thống” thực hiện một kiểu phô trương sức mạnh quân sự nào đó trong khoảng thời gian này.
Lần này, thứ mà Bình Nhưỡng muốn “khoe” dường như là tên lửa Musudan - một loại tên lửa đạn đạo tầm trung tối tân của nước này.
“Như báo chí đã đưa tin rộng khắp, người ta đã phát hiện ra các hoạt động di chuyển tên lửa Musudan đến khu vực bờ biển phía đông”, Đô đốc Samuel Locklear - người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã cho biết như vậy tại cuộc họp của Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ hôm 9/4.
Một tên lửa Musudan có tầm bắn tối thiểu khoảng 400 dặm (gần 640km) và tầm bắn tối đa là 3.500 dặm (5.600km). Điều đó có nghĩa là tên lửa này không thể vươn tới lục địa Mỹ hay Hawaii.
“Tôi cho rằng, nếu tên lửa của Triều Tiên được bắn đi theo đúng hướng đó, nó có thể đặt lãnh thổ Guam của Mỹ vào nguy hiểm. Tuy nhiên, để tôi nhắc lại một lần nữa: Chúng tôi có khả năng giám sát, phát hiện và bảo vệ đất nước của mình, bảo vệ Guam và bảo vệ các lực lượng của chúng tôi đang đóng tại đó cũng như các đồng minh của chúng tôi”, ông Locklear nhấn mạnh, ám chỉ đến các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang triển khai trong khu vực.
Lợi ích tình báo?
Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng thực sự tiến hành một vụ phóng thử tên lửa Musudan thì Mỹ và các đồng minh ít nhất cũng thu được một lợi ích tình báo lớn. Vụ phóng này có thể dập tắt những tranh cãi trong cộng đồng giới chuyên gia và phân tích về khả năng của tên lửa Musudan, cũng như khẳng định được liệu loại tên lửa đó có thực sự tồn tại hay không. Đó là bởi vì, cho đến tận bây giờ, Bình Nhưỡng vẫn chưa bao giờ thực hiện một vụ thử tên lửa Musudan.
Tên lửa Musudan là một tên lửa đạn đạo tầm trung di động về bản chất là giống với tên lửa phóng đi từ tàu ngầm SS-N-6 thời Xô-viết những năm 1960. Thông tin về sự tồn tại của loại tên lửa này lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí phương Tây vào giữa năm 2000. Và thế giới bên ngoài Triều Tiên cũng chỉ lần đầu tiên được nhìn thấy tên lửa Musudan vào năm 2010 khi nước này tiến hành một cuộc diễu binh quân sự ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Mỹ tương đối chắc chắn về việc Triều Tiên được tiếp cận với công nghệ SS-N-6 bởi có thông tin cho biết, các thành viên của cục thiết kế Xô-viết chế tạo tên lửa SS-N-6 từng đến Bình Nhưỡng, chuyên gia về vấn đề hạt nhân - ông Jeffrey Lewis năm ngoái đã cho biết như vậy. Một số công nghệ trong tên lửa SS-N-6 cũng đã được sử dụng trong các tên lửa tầm xa của Triều Tiên và có thể cả vũ khí của Iran. Theo một số nguồn tin, Triều Tiên đã bán cho Iran gói công nghệ SS-N-6 năm 2005.
Đối với tên lửa Musudan, “tất cả những gì còn thiếu chỉ là một vụ phóng thử thật sự”, ông Lewis - giám đốc phụ trách chương trình Đông Á ở Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến James Martin, cho biết. “Tất nhiên, có tin đồn rằng Iran đã thử tên lửa loại này cho phía Triều Tiên”.
Một tên lửa Musudan dựa trên công nghệ SS-N-6 sẽ là một bước tiến lớn về mặt công nghệ, kỹ thuật đối với kho vũ khí của Triều Tiên. Hầu hết các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung khác của Bình Nhưỡng là dựa trên công nghệ Scud cũng từ thời Xô viết. Tuy nhiên, công nghệ SS-N-6 có động cơ hiện đại hơn rất nhiều và sử dụng chất nổ đẩy chứa đựng được nhiều năng lượng hơn là công nghệ Scud.
“Mặc dù đã được thiết kế từ cách đây gần 50 năm, nhưng công nghệ tên lửa SS-N-6 vẫn chạm tới sát giới hạn công nghệ và khả năng của nó vẫn là tối tân”, chuyên gia công nghệ Đức Markus Schiller đã nhận định như vậy trong một báo cáo về mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.
Hãy nhìn theo hướng này: Một tên lửa Musudan có trọng lượng bắn đi bằng với tên lửa Nodong dựa trên công nghệ Scud, nhưng tầm bắn tăng lên gấp đôi. Nó giống như một chiếc Ferrari trong khi Nodong là một chiếc xe tải cũ.
Tuy nhiên, ông Schiller không tin là tên lửa Musudan thực sự là một phiên bản vũ khí tàu ngầm thời Xô-viết của Triều Tiên. Trong số những bằng chứng mà ông Schiller đưa ra, đầu đạn tên lửa Musudan mà Bình Nhưỡng “khoe” trong cuộc diễu binh quá giống với đầu đạn của tên lửa SS-N-6. Đầu đạn của Xô-viết là đầu đạn hạt nhân và nó được thiết kế bởi một tổ chức riêng rẽ. Triều Tiên gần như chắc chắn là không có được nó. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đang cố gắng “lòe” Mỹ và các đồng minh.
Phương Tây vẫn thiên về việc, tên lửa của Triều Tiên mới giới hạn ở công nghệ Scud chứ chưa đạt được công nghệ hiện đại SS-N-6. Nhưng không ai nói chắc được điều gì. Vì vậy, một vụ thử tên lửa Musudan lúc này có thể giải quyết được tất cả các hoài nghi, dù đây là động thái mang tính khiêu khích lớn.
Kiệt Linh -
(theo CSM)
Ý kiến bạn đọc