Mỹ làm gì nếu Triều Tiên phóng 2 tên lửa?

10:12, 12/04/2013
|

(VnMedia) - Sau vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân thành công mới nhất gần đây, CHDCND Triều Tiên đã đe dọa tấn công phủ đầu hạt nhân vào Mỹ. Tuần này, chính quyền Bình Nhưỡng còn cảnh báo người nước ngoài nên rời khỏi Hàn Quốc vì bán đảo Triền Tiên sắp rơi vào một cuộc chiến tranh nhiệt hạch. Hiện giờ, Bình Nhưỡng đang đặt 2 tên lửa tầm trung Musudan-1 lên bệ phóng để sẵn sàng bắn đi bất kỳ lúc nào từ bờ biển phía đông. Vấn đề thời gian giờ chỉ còn phụ thuộc vào quyết định của Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un.
 

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh họa)


Vậy Mỹ nên làm gì nếu Triều Tiên thực hiện vụ phóng 2 tên lửa Musudan-1 liên tiếp? 
 
Giới phân tích Mỹ cho rằng, họ may mắn vì có Hệ thống Chiến đấu Aegis tối tân và siêu tinh vi, có khả năng tính toán chính xác đường bay của tên lửa chỉ trong vòng vài giây. Nếu tên lửa Musudan-1 hướng tới vùng biển quốc tế, Mỹ sẽ để cho nó bay. Tuy nhiên, Mỹ chắc chắn sẽ thu thập các mảnh vỡ để phân tích về tên lửa này. Washington cho rằng, trò chơi của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un là khiêu khích Mỹ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản để các nước này “tung” ra hành động quân sự. Chính vì thế, Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia trò chơi đó nếu không thấy cần thiết.
 
Trong trường hợp Hệ thống Chiến đấu Aegis của Mỹ tính toán rằng, đường bay của tên lửa Triều Tiên đang hướng tới vùng đất liền (có thể là Guam, Nhật Bản, Okinawa hay Hàn Quốc), Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng để không chỉ bắn hạ những tên lửa đó bằng các tên lửa đánh chặn của mình mà còn ngay lập tức phá hủy các bệ phóng tên lửa của Triều Tiên bằng tên lửa Tomahawks. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ “tung đòn” nhằm hủy diệt 8 tên lửa Musudan đang được Triều Tiên cất giữ trong các đường hầm ngầm bí mật sâu dưới lòng đất ở dọc bờ biển phía đông của họ.
 
Hồi đầu tuần này, nguồn tin Tình báo Mở (OSINT) của Mỹ đã phát hiện, Triều Tiên bắt đầu triển khai thêm tên lửa Musudan-1 vào các khu vực bắn ở những nơi khác nhau trên lãnh thổ nước này.
 
Bình Nhưỡng được tin là đang sở hữu trong tay từ 50 đến 100 quả tên lửa Musudan-1. Tên lửa loại này có tầm bắn hơn 2.500 dặm (tương đương với hơn 4.000km). Phiên bản Musudan-1 cũng được cho là hiện đại hơn so với các loại tên lửa khác của Triều Tiên. Cụ thể, Musudan-1 có bình chứa nhiên liệu lớn hơn và được trang bị hệ thống định vị, ngắm mục tiêu hiện đại hơn từ Nga. Hiện giờ, người ta còn lo ngại về khả năng, Musudan của Triều Tiên có thể đã có đầu đạn hạt nhân.
 
Trong khi Musudan chỉ là một tên lửa tầm trung thì Triều Tiên còn sở hữu tên lửa Taepodong-2 có tầm bắn xa hơn. Đáng sợ hơn nữa là tên lửa Unha-3. Đây là tên lửa mà Triều Tiên đã dùng để phóng một vệ tinh vào quỹ đạo hồi tháng 12 năm ngoái. Tầm bắn của nó lên tới 6.200 dặm (gần 10.000km).
 
Ngoài ra, trên mặt đất, Bình Nhưỡng cũng tăng cường triển khai số lượng lớn vũ khí, cả pháo cỡ nòng nhỏ và nòng lớn, hướng về phía khu vực phi quân sự hóa giữa hai miền Triều Tiên cũng như các căn cứ pháo binh ở bờ biển của nước này. 
 
G8 lên án Triều Tiên bằng “ngôn từ mạnh nhất”
 
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình Triều Tiên, Ngoại trưởng các nước thành viên G8 hôm qua (11/4) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ những "hành động hiếu chiến" gần đây của chính quyền Bình Nhưỡng, cũng như việc nước này tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa.
 
Trong tuyên bố của G8, các ngoại trưởng cho biết, họ lên án “bằng những ngôn từ mạnh nhất có thể” hành động phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên. Theo họ, đó là hành động làm phương hại đến an ninh quốc tế.
 
G8 là nhóm các nước công nghiệp phát triển gồm các thành viên Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Canada và Nga.
 
Trong một dấu hiệu thể hiện sự đoàn kết quốc tế trong vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Không có bất kỳ sự bất đồng hay mâu thuẫn nào giữa Nga với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên”.
 
Ngoại trưởng các nước thành viên G8 cũng nói thêm rằng, việc Bình Nhưỡng “tung” ra liên tiếp những lời cảnh báo, đe dọa sặc mùi thuốc súng chỉ khiến nước này bị cô lập thêm. G8 kêu gọi chính phủ Triều Tiên tham gia vào các cuộc đàm phán “đáng tin cậy” về vấn đề từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
 
Các nước G8 cũng kêu gọi chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un kiềm chế, tránh đưa ra thêm “những hành động khiêu khích”.
 
Tuyên bố chung với những lời chỉ trích mạnh mẽ của G8 được đưa ra sau khi Triều Tiên vài tuần qua gây sóng gió trong khu vực bởi một loạt những hành động, lời nói cứng rắn và đầy thách thức. Mỹ và Hàn Quốc cũng “đổ thêm dầu vào lửa” bằng các bước đi quân sự và những lời cảnh báo đáp trả.
 
Tuyên bố của G8 cũng được đưa ra sau khi tình báo Mỹ tiết lộ một thông tin gây sốc về việc Triều Tiên có thể đã có trong tay những tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân dù vũ khí này vẫn chưa đáng tin cậy.
 
Trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng ở mức báo động như hiện nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thực hiện chuyến thăm đến Seoul và Tokyo nhằm thảo luận về cách thức để “tháo ngòi nổ” căng thẳng trong khu vực.
 
Tuy nhiên, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước khả năng Bình Nhưỡng thực hiện phóng một loạt tên lửa đủ loại như dự đoán của nhiều nguồn tin hiện nay. Hôm qua, Triều Tiên cũng ám chỉ về khả năng này khi tuyên bố “các phương tiện tấn công mạnh mẽ” của họ đã sẵn sàng. Một hành động khiêu khích mới của Triều Tiên chắc chắn sẽ đẩy căng thẳng trong khu vực đi xa hơn nữa và có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc