Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa (bên trái) và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh |
Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng tổ chức cuộc họp đặc biệt nói trên và tất cả các nước thành viên trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí tham gia, Ngoại trưởng Marty Natalegawa cho các phóng viên biết tại một cuộc họp giữa Ngoại trưởng các nước ASEAN ở Brunei.
Thỏa thuận trên rất có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc muốn giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông thông qua cơ chế song phương trong khi ASEAN muốn có tiếng nói thống nhất về vấn đề này trong hiệp hội. Sự bất đồng này là nguyên nhân cản trở tiến bộ đạt được trong quá trình tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông được tất cả các bên chấp nhận.
Mặc dù ngày diễn ra cuộc họp đặc biệt giữa ASEAN và Trung Quốc chưa được ấn định nhưng theo lời Ngoại trưởng Indonesia, kế hoạch này đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy “tiến bộ trong tiến trình tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử và duy trì môi trường tích cực ở Biển Đông”.
“Về vấn đề thời gian, nơi diễn ra cuộc họp cũng như cách thức tổ chức cuộc họp, tôi cho rằng, đó là những thứ cần phải lên kế hoạch chi tiết”, ông Natalegawa cho biết.
Căng thẳng Biển Đông luôn “sôi sùng sục” vì những tranh chấp ở vùng biển giàu tài nguyên và khí đốt này. Tình hình ngày một leo thang trong hai năm qua bởi những bước đi, động thái ngày một hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Tham vọng của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên này.
Brunei – nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, rất mong muốn sẽ thông qua được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trong năm nay.
Hồi năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký một tuyên bố chung trong đó các bên cam kết sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không có những hành động đe dọa hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, nỗ lực nhằm tiến tới một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc giữa các bên đến nay vẫn gặp nhiều trở ngại.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc