Mỹ chuẩn bị tấn công Syria?

09:38, 21/03/2013
|

(VnMedia) - Kịch bản về việc phương Tây tấn công ồ ạt vào Syria giống như Libya trước đây dường như đang ở gần hơn bao giờ hết. Điều này được thể hiện qua những phát biểu mới nhất của cả Tổng thống Barack Obama lẫn giới lãnh đạo quân sự Mỹ.

 

Ảnh minh họa
Tổng thống Obama


Mỹ sẽ thay đổi cuộc chơi ở Syria ?

 

Trong khi đang có chuyến ở thăm Israel, Tổng thống Obama đã đề cập đến thông tin đang gây sốc hiện nay về việc một lực lượng nào đó ở Syria bắt đầu sử dụng vũ khí hóa học – một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này.

 

Hiện tại, cả chính phủ và phe nổi dậy Syria đều đang đổ lỗi cho nhau gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng và rất nhiều người bị thương. Ông Obama hôm qua (20/3) cho rằng, ông “hoài nghi sâu sắc” về lờicáo buộc của chính quyền Syria cho rằng chính phe nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

 

“Tôi nghi ngờ sâu sắc bất kỳ lời cáo buộc nào về việc phe nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học. Ai cũng biết rõ thực tế về kho vũ khí hóa học ở bên trong đất nước Syria cũng như các năng lực của chính phủ Syria . Vì thế, tôi cần phải đặt nghi vấn đối với những lời cáo buộc đó”, Ông Obama đã nói như vậy với giới báo chí ở Jerusalem trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

 

Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra để làm rõ xem liệu có phải đã có lực lượng nào đó dám “bước qua lằn ranh đỏ”. Trước đây, Tổng thống Obama đã từng tuyên bố, việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria sẽ là “một lằn ranh đỏ” và nếu có ai đó vượt qua lằn ranh này sẽ phải đối mặt với hành động kiên quyết từ phía Mỹ..

 

Lần này, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo, bất kỳ động thái sử dụng vũ khí hóa học nào cũng sẽ là một “thứ làm thay đổi cuộc chơi” cơ bản trong hành động của thế giới đối với cuộc khủng hoảng ở Syria. Những phát biểu trên ám chỉ đến khả năng Mỹ sẽ dùng đến hành động quân sự đối với Syria nếu vụ tấn công hóa học được chứng minh đã thực sự xảy ra ở đất nước Trung Đông này.

 

Mỹ vẫn có xu hướng đổ lỗi cho chính quyền Syria đã gây ra vụ tấn công bằng rocket mang chất độc hóa học mới đây. Washington miêu tả chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad là “không đáng tin cậy” và vì thế, dành sự ủng hộ cho phe nổi dậy đang muốn lật đổ ông này.

 

Theo lời ông Obama, quân đội trung thành với Tổng thống Assad sẽ “mắc sai lầm khủng khiếp” nếu định dựa vào vũ khí không thông thường hoặc cung cấp loại vũ khí hủy diệt này cho các lực lượng khác sử dụng một cách bừa bãi. "Chính quyền Assad phải hiểu rằng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng vũ khí hóa học hay cung cấp nó cho những kẻ khủng bố”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, nhưng không cho biết cụ thể chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm như thế nào.

 

Những phát biểu cứng rắn và đầy hàm ý trên của ông Obama được đưa ra đúng một ngày sau khi chính phủ Syria và phe đối lập cùng ra sức đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào thành phố phía bắc Aleppo .

 

Đối ngược với Mỹ, Nga – đồng minh của chính quyền Tổng thống Assad, có vẻ tin rằng, phe nổi dậy Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để chống lại quân chính phủ. Bộ Ngoại giao Nga miêu tả đó là một diễn biến “cực kỳ nguy hiểm”, làm leo thang nghiêm trọng cuộc xung đột ở Syria .

 

Mỹ có sẵn kế hoạch đánh Syria ?

 

Sở dĩ nói khả năng Mỹ dẫn đầu phương Tây tiến đánh Syria đang ở rất gần là vì, ngoài những phát biểu đầy hàm ý của Tổng thống Obama, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ hôm 19/3 còn thẳng thừng tuyên bố, nhiều nước NATO đang lên kế hoạch khẩn cấp để chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thực hiện một chiến dịch quân sự nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 2 năm qua ở đất nước Syria.

 

"Tình hình Syria tiếp tục trở nên ngày một tồi tệ hơn. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc nội chiến luẩn quẩn đó sẽ sớm kết thúc", ông James Stavridis – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Châu Âu của Mỹ, đã phát biểu như vậy trước Ủy ban Các hoạt động Vũ trang Thượng viện Mỹ.

 

Theo lời ông Stavridis – người sắp nghỉ hưu, một số nước thành viên NATO đang hướng tới một loạt khả năng thực hiện chiến dịch quân sự nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng hai năm qua ở Syria . Trong số các lựa chọn có việc sử dụng máy bay để thiết lập vùng cấm bay, cung cấp sự giúp đỡ về mặt quân sự cho phe nổi dậy hay áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí.

 

Giống như sự can thiệp của Mỹ và các nước khác vào tình hình Libya năm 2011, sẽ cần phải có một nghị quyết từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và một thỏa thuận giữa 28 thành viên của NATO trước khi NATO thực hiện một vai trò quân sự ở Syria, ông Stavridis nói.

 

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nếu được huy động tham gia giống như ở Libya trước đây”, Tướng Mỹ tuyên bố như vậy.

 

Tuy nhiên, hiện tại, các nước thành viên NATO vẫn đang tranh luận nóng bỏng về khả năng can thiệp quân sự vào Syria . Mỗi nước lại có một ý kiến riêng về cách thức can thiệp nhưng chưa có sự thống nhất trong cách tiếp cận chung của NATO đối với vấn đề Syria , ông Starvidis nói thêm.

 

Đất nước Syria đã phải oằn mình chịu đựng cuộc nội chiến đẫm máu và ác liệt kéo dài suốt hơn 2 năm qua. Hơn 70.000 người đã thiệt mạng, hơn 1 triệu người phải đi sống tị nạn và 2,5 triệu người mất nhà cửa, sống lay lắt trong nước.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc