Triều Tiên lại khiến các cường quốc “giật mình thon thót”

11:29, 16/02/2013
|

(VnMedia) - Sau khi khiến các cường quốc choáng váng và nổi giận vì vụ thử hạt nhân thứ ba mới nhất hôm 12/2 vừa rồi, Triều Tiên lại khiến các nước này “giật mình thon thót” vì tuyên bố sẽ sớm tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư, thứ năm mạnh hơn.

Bình Nhưỡng được cho là đã nói với đồng minh then chốt– Trung Quốc rằng, nước này đang chuẩn bị để tiến hành thêm một hoặc thậm chí là hai vụ thử hạt nhân mới trong năm nay trong một nỗ lực được cho là nhằm ép Mỹ ngồi vào bàn đàm phán hiệp định hòa bình với Triều Tiên. Thông tin này được tiết lộ bởi một nguồn tin có liên quan trực tiếp đến thông điệp mà Bình Nhưỡng vừa gửi đến Bắc Kinh nói trên. Đây cũng là nguồn tin được tiếp cận trực tiếp với giới lãnh đạo cấp cao nhất ở cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Theo nguồn tin trên, những vụ thử hạt nhân mới có thể được tiến hành trong năm nay kèm theo một vụ phóng tên lửa khác.

Triều Tiên đã khiến cả khu vực bán đảo Triều Tiên nóng bỏng khi bất ngờ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba vào hôm thứ Ba vừa rồi (12/2) – đúng mùng 3 Tết Âm lịch cổ truyền của nhiều nước Châu Á. Vụ thử này đã gây ra làn sóng chỉ trích và phản đối dữ dội cũng như những cảnh báo sắc lạnh từ phía Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Vụ thử thứ ba đã xong. Một vụ thử hạt nhân thứ tư, thứ năm và một vụ phóng tên lửa sẽ sớm được tiến hành, có thể trong năm nay," nguồn tin có mối liên hệ với giới lãnh đạo cấp cao ở Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cho biết. Cũng theo nguồn tin này, vụ thử hạt nhân thứ 4 sẽ mạnh hơn rất nhiều so với vụ thử thứ ba vừa rồi, có thể tương đương với sức nổ của 10 kiloton chất TNT. Vụ nổ hạt nhân mới nhất của Triều Tiên được đánh giá có sức mạnh tương đương với vụ nổ của 6-7 kiloton chất TNT.

Các vụ thử sẽ được tiến hành trừ khi Washington chịu ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên và từ bỏ chính sách mà Bình Nhưỡng miêu tả là nỗ lực nhằm thay đổi chính quyền ở nước họ, nguồn tin trên khẳng định.

Bình Nhưỡng đã nhiều lần khẳng định mong muốn lâu nay của họ là Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, ký hiệp định hòa bình và nối lại quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn.
 
Trong suốt cả năm vừa rồi, Triều Tiên được cho là đã chuẩn bị sẵn sàng các địa điểm thử hạt nhân. Các hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy, Triều Tiên có thể đã chuẩn bị xong địa điểm cho ít nhất thêm một vụ thử hạt nhân nữa ngoài vụ nổ hồi đầu tuần.
 
"Dựa vào các hình ảnh thu được qua vệ tinh, đã có một loạt hành động tương tự xảy ra ở hai đường hầm. Sau vụ thử mới nhất, vẫn còn một đường hầm còn nguyên", ông Kune Y. Suh, một giáo sư chuyên nghiên cứu về hạt nhân ở trường Đại học Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc, cho biết. Các phân tích khác về hoạt động ở một địa điểm phóng tên lửa cũng cho thấy, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sắp tiến hành cả thêm một vụ phóng tên lửa.
 
Ở thủ đô Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế, tránh có thêm những hành động khiêu khích, vi phạm các nghĩa vụ quốc tế” theo 3 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó cấm Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa.
 
Lầu Năm Góc đang cân nhắc xem xét đưa chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vào danh sách những “mối đe dọa dối với an ninh quốc gia Mỹ và đối với an ninh cũng như hòa bình quốc tế”.
 
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ “có hành động quyết liệt nhằm đáp trả mối đe dọa” do Bình Nhưỡng gây ra. Mỹ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là sẽ tìm cách thúc ép Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Triều Tiên.
 
Đáp lại, Triều Tiên tuyên bố “không sợ các biện pháp trừng phạt thêm nữa”. Nước này tự tin cho rằng, những cải cách về nông nghiệp và kinh tế sẽ giúp họ “có được vụ mùa bội thu trong năm nay”.
 
Nền kinh tế của Triều Tiên vốn có ít mối liên hệ với thế giới bên ngoài ngoài Trung Quốc. Vì vậy, việc nước này không mấy sợ các biện pháp trừng phạt quốc tế là điều dễ hiểu.
 
Trung Quốc có sức nặng thế nào với Triều Tiên?
 
Lần nào cũng vậy, sau mỗi vụ thử hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên, các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều hướng vào hành động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, những nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an chẳng có mấy tác dụng đối với Bình Nhưỡng. Vì thế, nhiều nước tin rằng, để có sự thay đổi thực sự ở Triều Tiên thì cần nhất là hành động quyết liệt của Trung Quốc.
 
Trung Quốc được xem là cường quốc duy nhất trên thế giới có ảnh hưởng thực sự đối với  Bình Nhưỡng bởi Trung Quốc cung cấp hầu hết nhiên liệu, tài trợ rất nhiều lương thực và chiếm một phần lớn thương mại và đầu tư với Triều Tiên. Không chỉ là nhà tài trợ lớn nhất, đối tác thương mại lớn nhất, Trung Quốc còn là đồng minh lớn nhất và thân thiết nhất của Triều Tiên trên mặt trận ngoại giao.
 
“Chỉ Trung Quốc mới có thể tạo sự khác biệt. Vấn đề là liệu Trung Quốc có chấp nhận tạo ra điều khác biệt đó không”, ông Andrei Lankov – một giáo sư ở trường Đại học Kookmin ở thủ đô Seoul, cho hay.
 
Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là không có nhiều sự lựa chọn trong vấn đề Triều Tiên. Nước này được cho là sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – những biện pháp không có mấy tác dụng đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không đơn phương trừng phạt Triều Tiên dù những biện pháp đơn phương như cắt viện trợ hay ngừng cung cấp nhiên liệu được cho là sẽ có hiệu quả trong việc buộc Bình Nhưỡng thay đổi lập trường, thái độ.
 
Sở dĩ Trung Quốc không muốn đơn phương  trừng phạt Triều Tiên là vì không muốn chọc giận nước láng giềng quan trọng của họ. Triều Tiên là một vùng đệm an toàn chiến lược của Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn và bất mãn với Trung Quốc sẽ gây hậu quả cực lớn đối với Bắc Kinh. Sự sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ dẫn đến tình trạng hàng triệu người dân nước này chạy sang tị nạn ở Trung Quốc, làm tăng sức mạnh cho người thiểu số Triều Tiên đang sinh sống ở Trung Quốc đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề thất nghiệp trong nước.
 
Quan trọng hơn, Bắc Kinh không mong muốn chứng kiến sự bất ổn ở Triều Tiên bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực sát nách Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc sẽ mất đi một vùng đệm an toàn.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc