Triều Tiên lại khiến các cường quốc “phát sốt”

13:39, 02/12/2012
|

(VnMedia) - CHDCND Triều Tiên hôm qua (1/12) lại khiến các cường quốc “sôi sùng sục” khi thông báo kế hoạch thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm xa vào thời gian khoảng giữa tháng này. Vụ phóng tên lửa sắp tới diễn ra đúng lúc Hàn Quốc tiến hành cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao đáng lo ngại giữa hai miền Triều Tiên và châm ngòi cho tình hình căng thẳng lan khắp khu vực.
 
Theo thông báo của hãng thông tấn chính thức của nhà nước Triều Tiên - KCNA đưa ra ngày hôm qua, Bình Nhưỡng sẽ thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ trong khoảng thời gian từ 10 đến 22/12.
 
Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ của họ là nhằm phục vụ cho các mục đích hòa bình. Vụ phóng tên lửa sắp tới diễn ra vào thời điểm nước láng giềng Hàn Quốc đang cấp tập chuẩn bị cho một cuộc bầu cử tổng thống và nó cũng trùng với dịp kỷ niệm một năm ngày mất của cố Lãnh đạo Kim Jong Il. Chủ tịch Kim Jong Il qua đời hôm 17/12 năm ngoái.
 
Đây là nỗ lực phóng tên lửa tầm xa thứ hai của Triều Tiên kể từ khi Chủ tịch Kim Jong Un lên nhậm chức sau khi cha ông qua đời cách đây gần một năm. Trước đó, hồi tháng 4, Bình Nhưỡng từng tiến hành phóng một tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ bất chấp sự phản đối dữ dội của các cường quốc. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa này đã thất bại.
 
Một phát ngôn viên của Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cho biết, các nhà khoa học đã “phân tích những vấn đề” trong vụ thử thất bại hồi tháng 4 và đã cải thiện độ chính xác của tên lửa Unha và vệ tinh Kwangmyongsong, hãng tin KCNA cho biết.
 
Triều Tiên đã đưa ra thông báo về vụ phóng tên lửa tầm xa mới sau khi báo chí nước ngoài đưa tin hàng loạt về những hoạt động sôi động của Triều Tiên ở khu thử bên bờ biển phía tây được phát hiện qua các hình ảnh thu được từ vệ tinh.
 
Các nước “phát sốt” trước tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
 
Cũng không khác gì hồi tháng 4, ngay sau khi Bình Nhưỡng thông báo kế hoạch phóng tên lửa tầm xa, các nước đã liên tiếp lên tiếng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ.
 
Dù Triều Tiên tuyên bố, mục đích vụ phóng tên lửa của họ là vì hòa bình nhưng các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lại tin rằng, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng thực chất là một vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa nhằm phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
 
Hàn Quốc đã miêu tả thông báo về vụ phóng tên lửa mới là “một động thái thách thức nghiêm trọng” và là “một thách thức đối với cộng đồng quốc tế”. Các quan chức Hàn Quốc còn cáo buộc Triều Tiên đang tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống của họ.
 
Sau Hàn Quốc, đến lượt Mỹ cũng lên án mạnh mẽ kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland cho biết trong một tuyên bố rằng, “vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
 
"Bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đều vi phạm trực tiếp các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việc đổ các nguồn lực hiếm hoi vào phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa chỉ khiến Triều Tiên ngày một bị cô lập hơn nữa và bị nghèo đói hơn nữa”, bà Nuland đã nói như vậy.
 
Trong khi đó, Nhật Bản đã quyết định hoãn các cuộc đàm phán với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đưa ra thông báo về vụ phóng tên lửa sắp tới. Hãng tin Kyodo News đưa tin, quyết định này đã được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đưa ra sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Koichiro Gemba, Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto và Tổng thư ký nội các Osamu Fujimura.
 
Thủ tướng Noda cho biết, ông đã thông báo với phía Triều Tiên về quyết định hoãn các cuộc đàm phán đồng thời nói thêm rằng, việc Triều Tiên có kế hoạch phóng tên lửa tầm xa là một điều “thực sự đáng tiếc”.
 
Chưa dừng lại ở đó, Bộ trưởng Quốc phòng Morimoto còn nhanh chóng ban hành lệnh phá hủy tên lửa Triều Tiên. Cụ thể, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng để có thể phá hủy tên lửa của Triều Tiên nếu nó gây nguy hiểm cho Nhật Bản.
 
Thủ tướng Noda cũng chỉ thị cho các bộ ngành có liên quan áp dụng tất cả các biện pháp có thể để bảo đảm an ninh cho Nhật Bản trong thời gian Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa. Ông Noda cũng cho biết, Tokyo sẽ bắt tay hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc để ngăn chặn vụ phóng sắp tới của Bình Nhưỡng.
 
Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong Un đã cam kết sẽ củng cố kho vũ khí hạt nhân trừ khi Washington từ bỏ cái mà nước này gọi là “chính sách thù địch” đối với họ. Bình Nhưỡng cho biết, họ đang chế tạo bom để bảo vệ mình trước mối đe dọa hạt nhân của Mỹ trong khu vực.
 
Triều Tiên tin rằng, nếu họ phóng tên lửa tầm xa lần này thành công thì điều đó sẽ giúp họ tăng vị thế trong các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ bởi “thành công này đồng nghĩa với việc Triều Tiên đang tiến gần hơn tới việc phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”.
 
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về việc các nhà khoa học Triều Tiên đã khắc phục được những vấn đề khiến vụ phóng vệ tinh hồi tháng 4 của họ thất bại.


Kiệt Linh - (theo AP, Reuters, THX, RIA)

Ý kiến bạn đọc