Chiến đấu cơ Trung Quốc đối đầu nguy hiểm với máy bay Ấn Độ

09:05, 02/12/2012
|

(VnMedia) - Tờ India Today mới đây tiết lộ, chiến đấu cơ của Trung Quốc suýt nữa tái diễn kịch bản đụng độ nguy hiểm với máy bay của Ấn Độ như hồi chiến tranh năm 1962. Vụ việc này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc-Ấn Độ.
 
Theo Tờ India Today cho biết hôm 29/11, giới quan chức quân sự Trung Quốc và Ấn Độ đã bị một phen thót tim vì lo lắng sau khi xảy ra sự kiện máy bay chiến đấu có trang bị vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được lệnh cất cánh khẩn cấp để đi chặn những chiếc máy bay của Ấn Độ đang bay ở khu vực Tawang, bang Arunachal Pradesh, hôm 30/10.
 
Các nguồn tin cho biết, vụ việc trên đã được Lực lượng Không quân Ấn Độ báo cho Bộ Quốc phòng nước này. Cơ quan Tình báo Nước ngoài và Cục Điều tra Phân tích của Ấn Độ sau đó cũng đã làm một bản báo cáo riêng rẽ về vụ việc để gửi lên cấp trên.
 
Cụ thể, khoảng 3h chiều hôm 30/10, một số máy bay của Lực lượng Không quân Ấn Độ đang thực hiện một nhiệm vụ cất cánh thường lệ ở Arunachal Pradesh thì họ bị hệ thống radar của Trung Quốc ở Lhasa phát hiện.
 
Phía Trung Quốc cho biết, họ đã có một loạt phản ứng sau động thái đáng báo động của máy bay Ấn Độ. Theo đó, Lực lượng Không quân Trung Quốc đã ra lệnh cho hai chiếc Sukhoi-27 cất cánh khẩn cấp từ căn cứ không quân Gonggar ở Tibet trong vòng vài phút.
 
Sau khi cất cánh lúc khoảng 3h04, hai chiếc chiến đấu của Trung Quốc đã bay thẳng về phía những chiếc máy bay của Ấn Độ . Tình hình diễn biến một cách đáng lo ngại khi phía Ấn Độ phát hiện chiến đấu cơ của Trung Quốc qua hệ thống radar ở gần Cuona lúc khoảng 3h29 chiều.
 
Các quan chức Ấn Độ cho biết, vụ việc thót tim trên kéo dài trong khoảng 50 phút và ở khu vực chỉ cách biên giới khoảng 30km. Đây là khoảng cách cực kỳ nguy hiểm bởi máy bay siêu âm của Trung Quốc chỉ mất vài giây để đến đó. Tuy nhiên, rất may là Trung Quốc và Ấn Độ đã tránh được kịch bản của cuộc chiến tranh năm 1962 bởi Trung Quốc thấy rằng, những chiếc máy bay của Ấn Độ không hề có ý định tiến vào khu vực biên giới nên đã tự động quay trở lại căn cứ.
 
Theo các nguồn tin trên, trong bản báo cáo gửi lên chính phủ của mình, Cục Điều tra Phân tích của Ấn Độ đã nhấn mạnh đến động thái bất thường của máy bay chiến đấu Trung Quốc.
 
Không quân Trung Quốc vốn là lực lượng lớn nhất Châu Á với 1.600 máy bay và Sukhoi-27 của Nga là một lực lượng chiến đấu then chốt của lực lượng này.
 
Tranh chấp ở vùng biên giới đã là nguyên nhân gây nên mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc hàng đầu Châu Á Trung Quốc, Ấn Độ từ nhiều thập kỷ nay. Đỉnh điểm là cuộc chiến tranh năm 1962 giữa hai nước tại bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Cuộc chiến tranh này không đem lại bất kỳ kết quả gì và tình hình biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục thường xuyên rơi vào căng thẳng.
 
Trước đó, hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony từng lên tiếng tố cáo, quân đội Trung Quốc đã xâm phạm biên giới Trung Quốc-Ấn Độ hơn 500 lần trong hơn hai năm qua. Những lần xâm phạm này tập trung ở 3 khu vực của LAC gồm: phía tây (Ladakh), miền trung (Uttarakhand và Himachal Pradesh) và phía đông (Sikkim và Arunachal Pradesh). Ladakh là nơi chứng kiến nhiều hành động “khiêu khích” nhất của Trung Quốc. Riêng ở Hồ Pangong mỗi năm ghi nhận 100 “vụ xâm phạm” bằng đường bộ, mô tô và tàu tuần tra của quân đội Trung Quốc.
 
Có thể nói, trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ luôn thoái lui trước sự dọa dẫm của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã thay đổi. Điều này được thể hiện rõ qua việc New Delhi gần đây liên tục tăng cường sức mạnh quốc phòng dọc khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Ấn Độ trong mấy năm qua đang trở thành cường quốc nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nước này cũng đẩy mạnh hoạt động tự chế tạo vũ khí hiện đại. Mới đây, Ấn Độ đã thử thành công một loại siêu tên lửa có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
 
Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ từng tuyên bố, họ muốn dựng lên một hàng rào bảo vệ vững chắc và đáng tin cậy trước một nước láng giềng khổng lồ được trang bị hết sức đầy đủ. Mục đích của New Delhi trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng ở khu vực biên giới là nhằm đối phó với những thách thức an ninh từ phía Trung Quốc.
 
Một Ấn Độ mạnh hơn lên, bạo dạn hơn lên đã khiến Trung Quốc cảm thấy rất khó chịu và bất an. Nước này đã nhiều lần đưa ra lời cảnh báo lẫn dọa dẫm nhằm vào Ấn Độ. Tuy nhiên, Bắc Kinh thừa hiểu, giờ đây, New Delhi đã là một lực lượng đối trọng khá cân bằng với họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc