Pháp đang chơi nước cờ mạo hiểm ở Syria

20:42, 20/11/2012
|

(VnMedia) - Pháp là cường quốc phương Tây đầu tiên công nhận liên minh mới thành lập của phe nổi dậy Syria. Quyết định này của Tổng thống Pháp Francois Hollande được cho là để đảm bảo lợi ích lâu dài của nước Pháp trong khu vực cũng như tăng cường hình ảnh chính sách đối ngoại của ông Hollande. Tuy nhiên, với việc rất ít các nước đồng minh theo chân Pháp công nhận phe nổi dậy Syria, Paris có thể phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập.
 
Trong bối cảnh các chính sách kinh tế của Tổng thống Hollande đang chịu sự “soi xét” rất kỹ ở cả trong và ngoài nước, những phản ứng do dự của ông này trước cuộc xung đột ở Syria trong khoảng thời gian trước tuần trước đã bị đem ra so sánh với cách tiếp cận đầy quyết đoán của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy. Ông Sarkozy chính là người dẫn đầu các nỗ lực của phương Tây trong việc lật đổ cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi. Pháp là nước khai màn cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya hồi năm ngoái.
 
Có lẽ sự so sánh trên đã khiến Tổng thống Hollande hồi tuần trước đã quyết định là nước phương Tây đầu tiên công nhận liên minh mới thành lập của phe nổi dậy Syria. Ông Hollande thậm chí còn nói rằng, Pháp sẽ cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria lật đổ Tổng thống Assad.
 
Với động thái kiên quyết trên, ông Hollande hy vọng sẽ giúp đem lại cho Paris một vai trò hàng đầu trong việc định hình tương lai của đất nước Syria đồng thời tăng uy tín đang sụt giảm của ông bằng việc thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo quyết đoán.
 
"Tổng thống Hollande bị chỉ trích không bằng được người tiền nhiệm Sarkozy. Vì thế, ông này muốn thể hiện rằng, ông ấy cũng có thể có được một chính sách đối ngoại năng động", ông Denis Bauchard, người từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Pháp những năm 1990 và chuyên vế vấn đề Trung Đông, nhận định.
 
"Chúng ta đang cố gắng thiết lập một chính phủ dân chủ ổn định ở Syria để chứng minh với công chúng Ả-rập rằng khu vực này vẫn là một ưu tiên đối với chúng ta và chúng ta muốn đóng một vai trò chính”, ông Bauchard nói.
 
Những nỗ lực trước đây nhằm đoàn kết phe nổi dậy dưới cái ô của Hội đồng Quốc gia Syria cuối cùng đã không thành công sau khi Hội đồng này đối mặt với một loạt cáo buộc cho rằng, họ không có mấy ảnh hưởng ở trong đất nước Syria và bị thống trị bởi nhóm Hồi giáo Brotherhood.
 
Paris lo ngại, cơ hội đoàn kết phe nổi dậy Syria sẽ biến mất và tình trạng lỏng lẻo, mất đoàn kết trong phe nổi dậy càng kéo dài thì các nhân tố thuộc giới Hồi giáo cực đoan hay thuộc các nhóm khủng bố càng có nhiều cơ hội chiếm ưu thế.
 
"Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội tái cơ cấu lại lực lượng nổi dậy Syria, sau này chúng ta không thể nhỏ những giọt nước mắt cá sấu mà nói rằng đất nước Syria đang rơi vào hỗn loạn”, một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết.
 
"Chúng tôi không nghĩ rằng việc để cho các phần tử Hồi giáo cực đoan quyết định vận mệnh của Syria là điều có lợi cho đất nước Syria, cho khu vực, cộng đồng quốc tế hay Pháp”, nguồn tin trên nói thêm.
 
Nước cờ mạo hiểm
 
Việc ông Hollande sớm công nhận liên minh mới thành lập của phe nổi dậy Syria được cho là nhằm vào nhiều mục đích quan trọng. Tuy nhiên, rõ ràng, Tổng thống Pháp đang chơi một nước cờ mạo hiểm, chứa nhiều nguy cơ. Nếu liên minh mới của phe nổi dậy Syria không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế và phải đối mặt với số phận như Hội đồng Quốc gia Syria thì nước Pháp sẽ rơi vào tình thế khó xử.
 
Quyết định của ông Hollande khiến nhiều người bất ngờ bởi chính bản thân liên minh mới thành lập của phe nổi dậy Syria vẫn chưa chứng tỏ được mình một cách thuyết phục. Nhiều đồng minh của Pháp như Mỹ, Anh vẫn còn hoài nghi về việc liên minh mới sẽ đại diện cho nhân dân Syria như thế nào và liên minh đó sẽ đại diện cho những giá trị gì.
 
Không giống như phe nổi dậy Libya chống cố Tổng thống Gaddafi hồi năm ngoái, phe nổi dậy Syria vẫn thiếu một bộ máy chỉ huy thống nhất rõ ràng. Không có sự nhất trí tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về một chiến dịch quân sự ủng hộ cho lực lượng nổi dậy Syria bởi hai thành viên thường trực Nga và Trung Quốc đều không muốn rút sự ủng hộ dành cho Tổng thống Assad.
 
"Tổng thống Hollande có tham vọng chính trị biến Syria thành một Libya riêng của ông này bằng cách ủng hộ liên minh mới thành lập. Tuy nhiên, ngoài lời nói, không có sự thay đổi thực sự nào trong lập trường của Pháp đối với vấn đề Syria", ông Ahyam Kamel – một nhà phân tích về vấn đề Syria tại tổ chức tư vấn Eurasia, nhận định.
 
"Tôi nghĩ, quyết định vội vàng của Tổng thống Hollande phản tác dụng. Pháp thực sự bị cô lập trong vấn đề này bởi các đối tác, đồng minh vẫn chưa có chung quan điểm với Pháp”, ông Kamel nói thêm.
 
Ngày hôm qua (19/11), Liên minh Châu Âu (EU) đã công nhận liên minh mới được thành lập của phe nổi dậy  Syria. Tuy nhiên, quyết định này không đồng nghĩa với một sự công nhận ngoại giao chính thức của các nước thành viên dành cho phe nổi dậy Syria.
 
Pháp bày tỏ tin tưởng các nước như Mỹ, Anh sẽ sớm công nhận liên minh mới thành lập của phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây rõ ràng vẫn còn chưa cảm thấy thoái mái về sự hiện diện của các nhân tố Hồi giáo cực đoan trong phe nổi dậy Syria, cùng với những cáo buộc của các nhà điều tra Liên Hợp Quốc về việc các chiến binh nổi dậy Syria mắc những tội ác chiến tranh.


Kiệt Linh - (theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc