(VnMedia) - Sau khi Trung Quốc tiết lộ kế hoạch đưa máy bay không người lái đến giám sát các vùng tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Philippines đã lên tiếng đe dọa sẽ bắn hạ máy bay của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm 25/9 cho biết, nước này không thấy có vấn đề gì với kế hoạch của Bắc Kinh trong việc đưa máy bay không người lái đến giám sát các khu vực tranh chấp nếu như những chiếc máy bay đó hoạt động trong phạm vi không phận của Trung Quốc.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines – ông Peter Paul Galvez cảnh báo, máy bay do thám của Trung Quốc có thể bị bắn hạ nếu đi vào khu vực không phận thuộc bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Đây là khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Theo ông Galvez, việc máy bay Trung Quốc đi vào không phận của nước khác mà không được phép sẽ là một tính toán sai lầm. Nó có thể làm “trầm trọng thêm tình hình thay vì đóng góp cho giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp hiện nay”.
Phản ứng trước lời đe dọa của Manila, Trung Quốc hôm qua (27/9) đã lên tiếng cảnh báo Philippines không được có bất kỳ hành động quân sự nào nhằm chống lại các máy bay không người lái mà họ triển khai để giám sát các vùng tranh chấp ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.
“Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào ở Biển Đông”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc – ông Yang Yujun cho biết. Ông này đã lên tiếng bảo vệ cho kế hoạch sử dụng máy bay không người lái giám sát các vùng tranh chấp của Trung Quốc, nói rằng động thái đó là “thích hợp và hợp pháp”, tờ Tân Hoa xã đưa tin.
“Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) và những vùng lãnh hải xung quanh. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, máy bay Trung Quốc bay ở không phận trong khu vực này là hợp pháp và đúng đắn”, ông Yang nói.
Trước đó, hồi cuối tuần, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã thông báo, nước này có kế hoạch sử dụng một loạt máy bay không người lái để tăng cường khả năng giám sát hàng hải của mình đồng thời củng cố các nỗ lực giám sát những quần đảo và nhóm đảo tranh chấp, trong đó có Điếu Ngư và Hoàng Nham.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với 4 nước gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Bắc Kinh cũng đang có tranh chấp một quần đảo với Tokyo ở biển Hoa Đông.
Hồi tháng 4 vừa rồi, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã bùng phát căng thẳng sau khi xảy ra sự kiện một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn tranh chấp. Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc. Đây chính là “mồi lửa” châm ngòi cho một cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài 2 tháng giữa Manila và Bắc Kinh.
Philippines tuyên bố sẽ đáp trả tàu thuyền Trung Quốc
Sau những căng thẳng kéo dài, Manila và Bắc Kinh đã nỗ lực tìm cách làm dịu tình hình. Hai bên đã cam kết sẽ rút hết tàu thuyền ra khỏi vùng tranh chấp quanh bãi cạn Scarborough để thể hiện thiện chí mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay một cách hòa bình.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Albert del Rosario hôm 26/9 cho biết, tàu thuyền của Trung Quốc vẫn tiếp tục lượn lờ ở khu vực tranh chấp. Ông Rosario tuyên bố, chính phủ Philippines có thể sẽ phải đáp trả tàu thuyền Trung Quốc.
Theo lời Ngoại trưởng Del Rosario cho biết trong một bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở thủ đô Washington, D.C, Manila và Bắc Kinh trước đó đã thỏa thuận rút hết tàu thuyền của hai bên ra khỏi bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không rút tàu thuyền của mình ra khỏi khu vực thậm chí kể cả khi các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã rời khỏi khu vực tranh chấp.
"Đã có thỏa thuận giữa hai nước về việc rút tàu thuyền ra khỏi bãi cạn. Philippines đã rút hết tàu thuyền của mình nhưng phía Trung Quốc không tuân theo thỏa thuận. Chúng tôi đang tiếp tục yêu cầu họ thực hiện thỏa thuận để thể hiện thiện chí và mong muốn của họ trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước”, ông Rosario phát biểu.
Ngoại trưởng Rosario cho hay, Philippines vẫn đang đánh giá tình hình. "Chúng tôi tin rằng, họ nên thực hiện thỏa thuận đó và tất nhiên, nếu họ tiếp tục vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines trong khu vực, chúng tôi sẽ phải xem xét biện pháp đáp trả. Chúng tôi chưa biết sẽ đáp trả như thế nào”, ông Rosario cho biết.
Lực lượng Không quân Philippines gần đây đã thực hiện các chuyến bay giám sát và đã phát hiện 3 tàu của Trung Quốc vẫn đang quanh quẩn ngay bên ngoài bãi cạn Scarborough. Trung Quốc cũng đã dùng dây thừng để chặn đường vào bãi cạn.
Bãi cạn Scarborough là nơi chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng và quyết liệt giữa Philippines và Trung Quốc kéo dài suốt hai tháng, bắt đầu từ tháng 4. Trong suốt thời gian đó, người ta đã chứng kiến một Manila ngày càng cứng rắn, quyết liệt và không ngại đối đầu trực tiếp với một nước lớn như Trung Quốc.
Khác với những lần căng thẳng trước, lần này, Philippines tỏ ra mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nước này nhiều lần tuyên bố sẽ không lùi bước trong cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay với Trung Quốc. Điều đó được thể hiện rất rõ qua các động thái của giới lãnh đạo ở Manila trong thời gian qua. Tổng thống Beningo Aquino III cũng như nhiều quan chức cấp cao khác của Philippines không ngần ngại chỉ trích, tố tội Trung Quốc bằng những ngôn từ mạnh mẽ, sắc nhọn. Sự cứng rắn của Manila khiến nhiều nước láng giềng Châu Á bất ngờ.
Ngoài dùng ngôn từ mạnh, Philippines còn có những hành động cứng rắn khác như đưa tàu thuyền ra vùng tranh chấp, cấp tập mua sắm thêm vũ khí hiện đại để sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Một trong những lý do khiến Manila mạnh mẽ và cứng rắn hơn với Bắc Kinh là do nước này có sự hậu thuẫn của đồng minh thân thiết cũng là cường quốc quân sự số 1 thế giới – Mỹ.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc