Nga, Trung quyết bảo vệ Syria, Iran đến cùng

09:27, 08/06/2012
|

(VnMedia) - Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu hôm qua (7/6) đã tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào khu vực Trung Đông, cụ thể là đối với hai nước Syria và Iran. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi phe nổi dậy Syria cáo buộc lực lượng chính phủ thảm sát 100 người.
 
SCO kêu gọi “tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria thông qua đối thoại chính trị” đồng thời khẳng định, việc dùng vũ lực với Iran là “điều không thể chấp nhận”. "Các nước thành viên SCO phản đối hành động can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của khu vực, ép buộc các cuộc chuyển giao quyền lực hay sử dụng những biện pháp trừng phạt đơn phương”, tuyên bố của SCO nhấn mạnh.
 
Phản đối đánh Syria
 
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vừa có cuộc họp thượng đỉnh ở thủ đô Bắc Kinh. Lãnh đạo 6 nước thành viên gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan đã đến tham dự hội nghị này. Tại đây, tất cả các nước thành viên SCO đều nhất trí phản đối những hành động can thiệp quân sự vào các điểm nóng của thế giới. Theo tuyên bố của SCO, tổ chức này không đồng ý với bất kỳ lựa chọn quân sự nào đối với Syria cũng như các nỗ lực nhằm thay đổi chính quyền ở đây.

Theo lời nguyên thủ các nước thành viên SCO, họ có lý do để kêu gọi và ủng hộ giải pháp hòa bình cho các vấn đề ở Trung Đông. Trên khắp thế giới, từ Trung Đông đến Bắc Phi, các cuộc xung đột đẫm máu và những vụ tấn công khủng bố đã gây ra cái chết cho rất nhiều người dân vô tội. Trong năm ngoái, có nhiều nước đã rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Nhận thức rõ an ninh và sự ổn định của các nước có liên quan chặt chẽ đến tình hình hiện nay ở các điểm nóng, lãnh đạo SCO tin rằng, hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua các phương tiện hòa bình. Từ lâu, mọi người đều đã hiểu, bạo lực đáp trả bằng bạo lực chỉ khiến có thêm nhiều người chết và gây ra những mối thù hận khó hóa giải. Hơn một năm trôi qua kể từ khi NATO dội bom vào Libya để lật đổ chính phủ trước đó, đất nước Bắc Phi này vẫn rơi vào tình trạng hỗn loạn, SCO cho hay.

Chưa hết, hơn 10 năm đã trôi qua kể từ khi Mỹ và các nước đồng minh lật đổ chính quyền Taliban ở Afghanistan, đất nước Trung Đông đó vẫn lan tràn bạo lực, giết chóc. Afghanistan là nước chia sẻ đường biên giới chung với một số nước hành viên SCO. Vì thế, đã đến lúc phải nói “không” với sự can thiệp bằng quân sự bởi kinh nghiệm đau thương từ những chiến dịch can thiệp quân sự trong quá khứ không nên được phép tái diễn, SCO nhấn mạnh.

Không chấp nhận biện pháp quân sự nhằm vào Iran

Ngoài vấn đề Syria, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc về tình hình xung quanh Iran”. Iran cũng tham gia hội nghị thượng đỉnh của SCO với tư cách là quan sát viên.
 
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn đề Iran bằng vũ lực đều không thể chấp nhận được. Điều đó có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được. Những hậu quả đó sẽ đe dọa đến an ninh và sự ổn định trong khu vực nói riêng và trên toàn thế giới nói chung”, tuyên bố của SCO cho biết.
 
Phương Tây tin rằng, Iran đang tìm cách sản xuất bom nguyên tử dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Mặc dù Tehran luôn khẳng định, chương trình hạt nhân của họ vì mục đích hòa bình nhưng phương Tây vẫn không ngừng gia tăng sức ép để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.
 
Bên lề hội nghị SCO, lãnh đạo của hai nước Nga và Trung Quốc đã có cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Nga chuẩn bị chủ trì một cuộc họp trong cuối tháng này nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Iran. Tổng thống Putin đã nói với người đồng cấp Iran rằng, Moscow ủng hộ chương trình hạt nhân của Tehran miễn là nó vì mục đích “hòa bình”.
 
Cùng chung quan điểm với ông Putin, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh phản đối bất kỳ đất nước Trung Đông nào tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh kiên trì theo đuổi quan điểm, vấn đề hạt nhân Iran nên được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao theo một cách thức công bằng, ông Ôn Gia Bảo đã phát biểu như vậy.
 
Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này đánh dấu sự kiện lần đầu tiên tất cả các nước thành viên của tổ chức cùng có chung tiếng nói trong các vấn đề quốc tế lớn. Với sức mạnh và ảnh hưởng chính trị ngày một tăng, tổ chức đa quốc gia SCO chắc chắn sẽ trở thành một lực lượng chính của thế giới trong tương lai gần. SCO có sự góp mặt của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Trung Quốc. Tổ chức này được thiết lập ra với mục đích ban đầu là để đối trọng với NATO – một liên minh quân sự của phương Tây.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc