Syria: Liên tục bị “nội công ngoại kích”

11:03, 02/04/2013
|

Trong cuộc viếng thăm Washington vào tháng 3, Faleh al-Fayyad - Cố vấn An ninh quốc gia Iraq - cho biết, mỗi tháng có khoảng 300 chiến binh Hồi giáo xâm nhập Syria để chiến đấu chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Ở trong nước , lực lượng chống đối tự xưng là "Quân đội Syrie tự do - FSA" vừa cho ra mắt công khai một đơn vị gồm 150 người, tất cả đều là phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 35.

Những chiến binh từ nhánh Al-Qaeda ở Iraq

Nhánh Al-Qaeda ở Iraq (AQUI) có quan hệ chặt chẽ với nhóm khủng bố ở Syria gọi là Jabhat al Nusra - cũng gọi là Mặt trận Nusra, một nhóm chiến binh phe đối lập có những cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tòa nhà chính quyền Tổng thống Bashar al Assad đồng thời kiểm soát được khu vực miền Bắc Syria. Việc cho phép hỗ trợ Cơ quan chống khủng bố của Iraq (gọi tắt là CTS) của Nhà Trắng đã mở rộng quyền hành cho CIA tiến hành bổ sung nhiều chiến dịch chống lại Al Nusra không chỉ ở trong biên giới Iraq.

Chiến dịch chống khủng bố của CIA ở Iraq là phù hợp với mục tiêu của chính quyền Obama nhằm giới hạn vai trò quân sự của Mỹ trong cuộc xung đột đẫm máu ở Syria. Washington cung cấp sự trợ giúp không sát thương cho phe đối lập ở Syria nhưng từ chối cung cấp vũ khí, một phần để tránh vô tình hậu thuẫn cho những phần tử cực đoan trong các lực lượng nổi dậy ở nước này. Tình hình bạo lực leo thang ở Syria hiện nay đã lan sang Iraq một cách đáng quan ngại.

Ví dụ, vừa qua khoảng 50 binh sĩ Syria bỏ chạy sang Iraq đã bị giết chết trong một cuộc phục kích ngay trên lãnh thổ Iraq. Giới chức Iraq cho biết có dấu hiệu cho thấy AQUI đứng đằng sau cuộc tấn công này. Còn người Mỹ đánh giá cuộc tấn công là "điềm báo" đáng  ngại về sự hợp tác đang tăng của các chiến binh cực đoan ở cả hai bên biên giới Syria - Iraq. Tình báo Mỹ tin rằng AQUI thường xuyên cung cấp các chiến binh hợp tác với Al Nusra - nhóm được coi là lực lượng mạnh nhất trong những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy ở Syria dọc theo các đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Trong cuộc viếng thăm Washington vào tháng 3, Faleh al-Fayyad - Cố vấn An ninh quốc gia Iraq - cho biết mỗi tháng có khoảng 300 chiến binh Hồi giáo xâm nhập Syria để chiến đấu chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong đó một số chiến binh là cựu binh của AQUI. Còn giới chức Mỹ nhận định cuộc chiến ở Syria cũng là mối đe dọa lâu dài cho tình hình an ninh ở Iraq. Cụ thể là Al Nusra đang tập trung mọi nỗ lực nhằm gây mất ổn định cho chính quyền Iraq.

Một quan chức quốc phòng Mỹ phát biểu: "Chắc chắn có khả năng sau khi chế độ Bashar al-Assad sụp đổ, nhóm Al Nusra sẽ chuyển sang tấn công Iraq". Vấn đề Syria cũng từng là nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng giữa Mỹ và chính quyền Iraq. Washington kêu gọi Tổng thống Al-Assad ra đi, nhưng ngược lại Baghdad lại giữ thái độ trung lập. Mặc dù vậy, cả Washington lẫn Baghdad đều thừa nhận mối đe dọa đáng sợ từ Al Nusra và AQUI đối với Iraq. Do đó mà CTS - được Mỹ huấn luyện - ra đời để phục vụ cho Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Iraq.

Tuy  nhiên, khả năng sử dụng thông tin tình báo để nhanh chóng thiết kế những chiến dịch chống khủng bố hiệu quả của CTS đã yếu đi nhiều từ khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Do đó, sự chuyển giao sứ mạng từ quân đội sang cho CIA sẽ cho phép Mỹ bí mật giúp CTS tiến hành những chiến dịch chống khủng bố hiệu quả hơn trong tương lai.

Tiểu đoàn nữ của “quân đội Syria tự do”

Trong cuộc chiến nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Assad, lực lượng chống đối tự xưng là "Quân đội Syrie tự do - FSA" vừa cho ra mắt công khai một đơn vị gồm 150 người, tất cả đều là phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 35. Đơn vị này - tiếng Arập là Ak Atiba - có nghĩa là tiểu đoàn - và được đặt tên là Martyr Rokan.

Được bí mật thành lập vào cuối năm 2012, Tiểu đoàn Martyr Rokan chủ yếu là phụ nữ người Kurd, được vũ trang bằng súng máy và chiến đấu như tất cả những người khác thuộc lực lượng FSA tại thành phố Aleppo, nơi được coi như khu vực đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến ở Syria. Sự ra đời của Tiểu đoàn Martyr Rokan bắt nguồn từ việc Tổng thống Syria Bashar Assad  ban bố quyết định  thành lập lực lượng quốc phòng - là một  đơn vị quân sự - trong đó phụ nữ ở mọi lứa tuổi đã được yêu cầu tình nguyện gia nhập và đã có khoảng 500 người được vũ trang.

Sami Annawi, là trung đội trưởng của một trung đội trong Tiểu đoàn Martyr Rokan, nói: "Họ - tức Chính phủ Syria - bắt buộc phụ nữ phải tham gia quân đội thì tại sao chúng tôi lại ngồi yên. Chúng tôi đã quen thuộc với địa hình Aleppo. Vì thế, chúng tôi có thể chiến đấu tốt như những người lính nam giới khác".

Vẫn trong bộ quần áo  Arập màu đen truyền thống với khăn choàng phủ kín đầu, nhưng khoác thêm chiếc áo "gilê" chứa đạn, những phụ nữ thuộc Tiểu đoàn Martyr Rokan thiên về lối đánh du kích. Chia thành từng nhóm nhỏ, họ bất ngờ tấn công quân chính phủ rồi nhanh chóng rút lui. Nếu bị bao vây, chỉ cần cởi áo "gilê" rồi giấu súng vào một chỗ nào đó là họ lại trở thành dân thường.

Tuy nhiên, một nhà quan sát nhân quyền người Anh là Sir Rowan Cadwell, nhận định: "Điều này có thể gây nguy hiểm cho người khác vì nếu phát hiện phụ nữ FSA tham gia chiến đấu, quân chính phủ có thể tàn sát những phụ nữ tình nghi ở khu vực họ chiếm đóng vì không gì có thể phân biệt được một dân thường người Kurd với một người lính của Tiểu đoàn Martyr Rokan".

Một trong những trận đánh khốc liệt nhất - là trận đánh diễn ra ở khu vực xung quanh Salah al-Din và Hamdanieh, gần trung tâm Aleppo. Trong trận này, Tiểu đoàn Martyr Rokan được các tay súng thuộc Lữ đoàn Liwaa al-Umma yểm trợ, đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân chính phủ.

Lữ đoàn Liwaa al-Umma. hay còn gọi là "Ngọn cờ của dân tộc" (The Banner of the Nation) do Harati thành lập vào đầu tháng 8/2011 sau khi Syria bùng nổ cuộc nội chiến. Harati mang hai quốc tịch Libya và Ireland, trong những cuộc gặp gỡ các thủ lĩnh phe FSA, đã quyết định đưa Lữ đoàn Liwaa al-Umma sang giúp phe nổi dậy chống lại quân chính phủ. Tuy nhiên do hỏa lực yếu hơn quân chính phủ, Tiểu đoàn Martyr Rokan đã phải rút lui, nhưng con số thương vong được giữ kín.

Một chiến binh trong tiểu đoàn này kể: "Về trang bị, chúng tôi chỉ có súng tiểu liên AK hoặc AR 15. Cả tiểu đoàn hầu như không ai đủ sức khỏe để  bắn liên tục 3 quả B41 nên chẳng ai dùng loại súng này. Suốt 3 ngày, chúng tôi không được tiếp tế thêm đạn dược trong khi xe tăng, đại bác và máy bay của quân chính phủ liên tục dội bão lửa lên đầu chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải rút". Một phóng viên chiến trường của tờ báo Người Quan sát đã mô tả những nữ chiến binh Martyr Rokan là: "Can đảm và có kỷ luật nhưng trang bị kém, lại thiếu huấn luyện về chiến thuật. Thức ăn của họ hầu như chỉ gồm bột ngô, bột lúa mạch với một ít mỡ. Có những lần 3 ngày liền họ không có nước để tắm nhưng họ vẫn lạc quan".

Trước khi tiểu đoàn này ra đời, phụ nữ trong FSA thường chỉ làm những việc như khuân vác vũ khí, tiếp tế lương thực, canh gác tại những trạm kiểm soát. Một số ít công tác  trong bộ phận an ninh.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc