Thua cay đắng trên chiến trường Syria, Mỹ buộc phải chấp nhận Assad?

14:19, 13/12/2017
|

(VnMedia) - Sau nhiều năm quyết liệt theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và luôn khăng khăng cho rằng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ không bao giờ sụp đổ nếu ông Assad không ra đi, Washington hiện tại dường như đã bắt đầu chấp nhận thực tế rằng Nhà lãnh đạo Syria sẽ tiếp tục cầm quyền, ít nhất cho đến cuộc bầu cử lần tới vào năm 2021 ở Syria.

Tổng thống Assad
Tổng thống Assad

Tờ Người New York hồi đầu tuần dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuẩn bị sẵn sàng “chấp nhận thực tế về việc Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tiếp tục cầm quyền cho đến cuộc bầu cử tiếp theo được dự kiến diễn ra vào năm 2021 của Syria”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Syria - ông Peter Ford hôm qua (12/12) cho biết, "tôi đã xem bản gốc. Họ đã nói như vậy trước đây nhưng luôn luôn có phần phụ lục. Giống như vậy, họ nói, Assad có thể tiếp tục cầm quyền ‘lúc này’, “bây giờ’ hay ‘ở giai đoạn này’ hoặc ‘cho đến 2021'. Tôi không nghĩ thông tin bị rò rỉ ở trên thực sự là một bước đi lớn”. Tuy nhiên, “họ đã có một bước lùi nhỏ khi chấp nhận thực tế mà phần còn lại của thế giới đã biết rõ từ lâu, đó là ông Assad sẽ không đi đâu cả”, ông Ford nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên có thông tin về việc giới chức chính quyền Mỹ giờ đây đã phải chấp nhận thực tế là họ không thể đánh bại được chính quyền Tổng thống Assad như mong muốn. Động thái cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria của Mỹ mới đây cũng được cho là hành động thể hiện họ đã “đầu hàng” trước mục tiêu giúp phe nổi dậy đánh đổ ông Assad.

Hơn nữa, mục tiêu buộc ông Assad phải ra đi hiện tại càng ngày càng khó thực hiện với Mỹ và đồng minh bởi vị thế của ông này đã được củng cố chắc chắn hơn rất nhiều sau khi thế trận trên chiến trường Syria đảo chiều hoàn toàn. Trong khi quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga càng đánh càng mạnh và liên tiếp giành chiến thắng trên chiến trường, thiết lập trở lại quyền kiểm soát hàng loạt khu vực lãnh thổ thì phe nổi dậy Syria dưới sự hậu thuẫn của Mỹ lại càng ngày càng suy yếu và rối loạn.

Thổ Nhĩ Kỳ không coi chính phủ Syria là một mối đe dọa

Trong một diễn biến bất ngờ khác, Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Mỹ và cũng là nước chống chính quyền Syria quyết liệt trong suốt nhiều năm qua, mới đây cũng đã tuyên bố họ không còn coi chính quyền của ông Assad là một mối đe dọa.

Thổ Nhĩ Kỳ từng cùng với phương Tây ra sức ủng hộ cho lực lượng nổi dậy trong cuộc chiến lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Rất nhiều nhóm nổi dậy hoạt động dưới lá cờ của Quân đội Syria Tự do (phe nổi dậy Syria) nhận được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, trong một bước đảo chiều hoàn toàn bất ngờ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã có lời giải thích cho lập trường của Ankara liên quan đến chính phủ Syria và lực lượng người Kurd ở Syria sau khi IS bị đánh bại và quân chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ từng bị rơi vào tay phe đối lập hoặc lực lượng khủng bố. Theo đó, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không coi chính quyền Syria là một mối đe dọa và rằng Ankara sẵn sàng phối hợp chiến dịch với Nga để chống lại lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở Syria nếu thấy cần thiết.

Cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang năm thứ bảy. Cuộc nội chiến đẫm máu này khởi nguồn từ làn sóng biểu tình hòa bình và nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến ác liệt, đẫm máu với số người thiệt mạng lên tới hàng trăm nghìn người. Đáng chú ý, cuộc chiến ở Syria thu hút sự tham gia của hàng loạt nước lớn trong khu vực Trung Đông và các cường quốc thế giới với sự ủng hộ dành cho các bên đối địch nhau. Đây là điểm mấu chốt khiến tình hình Syria càng thêm phức tạp và khó giải quyết.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc