(VnMedia) - Washington, Seoul và Tokyo hôm nay (11/12) đã khai hỏa cuộc tập trận “truy lùng tên lửa”, quân đội Hàn Quốc cho biết. Cuộc tập trận mới nhất này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và đồng minh Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc phô diễn sức mạnh không quân hoành tráng và rầm rộ nhất từ trước đến nay ở bán đảo Triều Tiên.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản được khai màn trong ngày hôm nay giữa bối cảnh tin đồn đang rộ lên về việc Triều Tiên có thể sẽ sớm thực hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ tàu ngầm, hãng tin Yonhap dẫn lời quân đội Hàn Quốc cho hay.
Hai tàu khu trục Aegis của Mỹ - USS Stethem và USS Decatur - đang dẫn dắt các cuộc diễn tập cùng với tàu khu trục Aegis mang tên Seoae Ryu Seong Ryong của Hàn Quốc và tàu Aegis mang tên Chokai của Nhật Bản. Trong cuộc tập trận, hải quân ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hướng tới mục tiêu “mài sắc” kỹ năng phát hiện và truy lùng các tên lửa đạn đạo tiềm năng.
Cuộc tập trận do Nhật Bản chủ trì sẽ kết thúc trong ngày mai (12/12) và mục đích của đợt diễn tập này là để tăng cường năng lực của các nước trong việc đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, Hải quân Nhật Bản cho biết trong một bản thông cáo báo chí. Liên minh hải quân ba nước sẽ “diễn tập bài tập truy tìm một mục tiêu và chia sẻ thông tin về mục tiêu đó cho lực lượng ba nước”, một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết đồng thời thêm rằng kịch bản tập trận “sẽ biến thành biện pháp chống lại các tên lửa đạn đạo”.
Theo quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, đây là lần thứ 6 lực lượng ba nước diễn tập bài tập nói trên trong hai năm trở lại đây.
Cuộc tập trận đang diễn ra giữa ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang “sôi sùng sục” vì những căng thẳng xoay quanh chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Khi tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao trào như hiện nay, những cuộc tập trận rầm rộ, liên tiếp mà Mỹ tiến hành cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ là “mồi lửa” châm ngòi cho ngọn lửa căng thẳng bùng cháy dữ dội và có thể đẩy mọi việc vượt quá khỏi tầm kiểm soát. Dù đã được Nga và Trung Quốc kêu gọi chấm dứt các cuộc tập trận chung, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tung ra hàng loạt động thái quân sự nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên.
Điều đáng nói là gần đây, các cuộc tập trận của Mỹ và các đồng minh trong khu vực mang nhiều dấu hiệu bất thường hơn, với quy mô ngày một lớn và những vũ khí tham gia ngày càng tối tân, thiện chiến hơn. Điều này rõ ràng gây quan ngại rất lớn đối với Triều Tiên nhất là khi Bình Nhưỡng luôn đặc biệt nhạy cảm với các cuộc tập trận chung của Mỹ với những nước láng giềng của họ. Bình Nhưỡng tin rằng, những cuộc tập trận như vậy thực chất là màn tập dượt cho một cuộc tấn công xâm lược nhằm vào họ.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến tình hình Triều Tiên, Nhật Bản đang tìm kiếm một khoản ngân sách 6,4 triệu USD thêm nữa để đầu tư cho kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi và tối tân Aegis.
Tokyo đột nhiên quan tâm đến hệ thống phòng thủ tên lửa sau khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang cao độ vì những vụ thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng trong thời gian qua. Các tên lửa mà Triều Tiên phóng đi thường rơi xuống Biển Nhật Bản. Nhật Bản cùng với Hàn Quốc được tin là hai nước nằm trọn trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Năm 2009, Hải quân Nhật Bản đã trang bị cho một loạt tàu chiến của họ những hệ thống chiến đấu tối tân Aegis để đối phó với mối đe dọa mang tên Triều Tiên.
Hệ thống chiến đấu Aegis của tập đoàn lừng danh Lockheed Martin Aegis là sự kết hợp các thiết bị phức tạp khác nhau gồm radar, máy tính, phần mềm, máy phóng vũ khí và vũ khí nhằm chống lại một loạt mối đe dọa trên mặt đất, trên không và dưới nước. Mục đích của sự kết hợp này là nhằm tạo ra một hệ thống chiến đấu toàn diện nhất. Không phải vô cớ mà Aegis được ví là tấm lá chắn huyền thoại của thần Dớt. Nó chính là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là "trái tim" của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc