Bán đảo Triều Tiên nguy cấp, Nga, Trung "lo sốt vó"

12:49, 09/12/2017
|

(VnMedia) - Trước diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang căng thẳng một cách đáng báo động, Nga và Trung Quốc đã có những động thái cho thấy họ cảm nhận được tính nguy cấp của tình hình và đang thực sự lo ngại.

Hình ảnh cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vừa diễn ra trên bán đảo Triều Tiên
Hình ảnh cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vừa diễn ra trên bán đảo Triều Tiên

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao của cả Nga và Trung Quốc hôm qua (8/12) đều đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên và Mỹ hãy chấm dứt vòng khiêu khích luẩn quẩn không có hồi kết – một diễn biến mà Bình Nhưỡng gần đây tuyên bố rằng sẽ khiến cho viễn cảnh chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên là không tránh khỏi.

"Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể duy trì sự bình tĩnh và kiềm chế đồng thời có những bước đi nhằm làm dịu tình hình căng thẳng, không khiêu khích lẫn nhau", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Geng Shuang cho biết trong một tuyên bố được phát đi hồi giữa tuần. "Một cuộc chiến tranh bùng nổ là điều không có lợi cho bất kỳ bên nào. Những người phải hứng chịu nhiều nhất đều là người dân thường”, ông Geng nói thêm.

Nga, nước cũng có chung đường biên giới với Triều Tiên, đã chia sẻ lập trường chung với Trung Quốc. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson trong cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu (OSCE) ở Vienna rằng, các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và những lời phát biểu cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đang khiến tình hình căng thẳng leo thang.

"Tôi không cố gắng tìm cách bào chữa cho hành động phóng tên lửa của Triều Tiên. Chúng tôi lên án nó và yêu cầu Triều Tiên tuân thủ nghiêm túc nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng Mỹ đang hành động như thể họ muốn khiêu khích Triều Tiên để đổi lấy sự mạo hiểm. Và họ đã làm như vậy. Tất nhiên, hiện tại, sẽ ngày càng khó để tạo ra được các điều kiện cho việc nối lại đối thoại”, Ngoại trưởng Lavrov cho biết trong bài phát biểu trước OSCE.

Tuy nhiên, “chúng tôi chắc chắn và Triều Tiên cũng đã liên tục nói với chúng tôi rằng họ cần được bảo đảm về an ninh”, Ngoại trưởng Lavrov cho hay. Thực vậy, nếu ai đó hỏi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thì ông ấy đều trả lời rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là vì sự cần thiết, khi thiếu nền hòa bình lâu dài trên giấy, ám chỉ đến hiệp ước hòa bình chưa được ký kết trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc chiến tranh năm 1950-1953.

Ông Lavrov cũng nói với hãng tin Interfax rằng, ông đã gửi thông điệp từ Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đến cho Bình Nhưỡng, theo đó Mỹ thể hiện mong muốn ngồi vào bàn đàm phán và tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng. "Chúng tôi biết, Triều Tiên muốn trước hết là đối thoại với Mỹ về sự đảm bảo an ninh. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ điều đó. Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào tiến trình tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh.

Cả Bắc Kinh và Moscow đều liên tục nhấn mạnh đến lập trường ủng hộ giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên thông qua các cuộc đối thoại, đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên. Nga và Trung Quốc tin rằng, đó là con đường duy nhất để làm dịu căng thẳng trong khu vực. Hai nước này đều phản đối biện pháp trừng phạt và chiến tranh.

Trong một động thái mạnh mẽ hơn, cả Nga và Trung Quốc đầu khai hỏa một cuộc tập trận mang tính cảnh báo khi Mỹ và Hàn Quốc phát động cuộc tập trận không quân lớn nhất trên bán đảo Triều Tiên vừa rồi giữa lúc tình hình đang căng thẳng.

Cả Nga và Trung Quốc đều lo sợ viễn cảnh chiến tranh bùng nổ ngay sát biên giới của họ. Đây là điều dễ hiểu bởi cả Nga và Trung Quốc đều có chung đường biên giới với Triều Tiên. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc bởi điều đó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc