Kịch bản ác mộng sau "đòn" bất ngờ của ông Trump nhằm vào Triều Tiên

17:25, 21/11/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Donald Trump hôm qua (20/11) thông báo Mỹ sẽ đưa chính quyền Triều Tiên vào danh sách đen những nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Trump
Tổng thống Trump

Triều Tiên sẽ cùng với Iran, Sudan và Syria có mặt trong danh sách đen của Mỹ. Triều Tiên từng bị đưa vào danh sách nói trên trong suốt hai thập kỷ, cho đến năm 2008 khi nước này được dỡ bỏ khỏi danh sách trong một nỗ lực nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân quốc tế. Mặc dù vậy, tiến trình đàm phán vẫn sụp đổ nhanh chóng sau đó và đến nay vẫn chưa được khôi phục lại.

Tổng thống Trump cho biết, việc đưa Triều Tiên vào danh sách những nước tài trợ cho khủng bố đã bị trì hoãn quá lâu và ông này tuyên bố sẽ tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mới như một phần của “chiến dịch tăng cường áp lực tối đa” lên chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Động thái mới nhất của ông Trump được tung ra trong bối cảnh giới chức tình báo Hàn Quốc vừa đưa ra thông tin cho rằng, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ sớm trở thành mối đe dọa thực sự đối với lục địa Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, việc đưa Triều Tiên vào danh sách đen thực chất chỉ là “một động thái mang tính biểu tượng” và có ít ảnh hưởng thực tế dù nó có thể giúp đóng kín lại “vài kẽ hở” trong chế độ trừng phạt hà khắc đang được áp đặt lên Bình Nhưỡng. Triều Tiên được cho là đã bắt đầu “ngấm đòn đau” từ những biện pháp trừng phạt mạnh tay của cộng đồng quốc tế. Có những bằng chứng và thông tin tình báo cho hay, Triều Tiên đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và nguồn thu nhập của quốc gia đang bị sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, ông Tillerson thừa nhận, khoảng tạm dừng hai tháng vừa qua sau “cơn sốt sùng sục” của những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên trong thời gian gần đây đã cho thấy, vẫn có hy vọng cho một giải pháp ngoại giao.

Động thái mới nhất của Tổng thống Trump có thể sẽ làm trầm trọng hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm nay (21/11) đã hoan nghênh bước đi của ông Trump, nói rằng nó sẽ giúp gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng để nước này phải lùi bước trong vấn đề hạt nhân và tên lửa.

“Tôi hoan nghênh và ủng hộ việc đưa Triều Tiên vào danh sách đen bởi nó sẽ gia tăng áp lực lên Triều Tiên”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát biểu như vậy trước cánh phóng viên.

Về phía Hàn Quốc, nước này cho biết, họ mong đợi bước đi của Mỹ sẽ góp phần vào tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên một cách hòa bình. Seoul tuyên bố sẽ cùng với Mỹ tìm cách đưa Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán.

Kịch bản đáng sợ

Sẽ không có gì đáng nói nếu động thái mới nhất của Tổng thống Trump chỉ mang tính biểu tượng như lời Ngoại trưởng Mỹ Tillerson miêu tả. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, bước đi của ông chủ Nhà Trắng có thể mở ra một kịch bản đáng sợ.

Bằng cách đưa Bình Nhưỡng vào danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, Tổng thống Trump đã mở ra cánh cửa sau cho một hành động quân sự nhằm tiến tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, các nhà phân tích đã đưa ra kịch bản như vậy khi trả lời phỏng vấn hãng tin RT.

Khi thông báo về quyết định liên quan đến Triều Tiên của mình ngày hôm qua, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng, việc ông đưa Bình Nhưỡng vào danh sách đen “sẽ giúp tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và các đối tượng có liên quan đồng thời hỗ trợ cho chiến dịch gia tăng sức ép tối đa lên chính quyền Triều Tiên”.

Tuy nhiên, giới cộng đồng chuyên gia không tin rằng, việc tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ giúp thúc đẩy tiến trình đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Các chuyên gia tin rằng, việc Triều Tiên được dỡ khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố năm 2008 là một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống George W. Bush khi đó nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân.

“Hành động mới của Mỹ sẽ làm cho con đường ngoại giao trở nên xa vời hơn… Và tôi sợ rằng, nó sẽ không giúp ích gì cho tình hình. Đó chỉ là một bước thêm nữa để mở đường cho một hành động quân sự. Quyết định của Mỹ sẽ khiến cho con đường ngoại giao trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí các cuộc thảo luận về tiến trình đối thoại nhằm đưa các bên đến bàn đàm phán cũng còn bế tắc vào thời điểm này. Những kiểu gán vào danh sách đen như vậy chẳng có bất kỳ ích lợi gì”, một chuyên gia về chiến lược và chính sách kinh tế - Sourabh Gupta đã phân tích như vậy.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc