(VnMedia) - Ba Lan sẽ tăng quy mô của quân đội và thành lập một lực lượng dân quân tình nguyện có quân số lên tới 50.000 người trong một động thái thể hiện sự lo ngại của quốc gia Đông Âu trước sức mạnh quân sự ngày một gia tăng mạnh mẽ của nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Kể từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vụ sáp nhập bán đảo Crimea, các nước láng giềng của Nga xem việc cường quốc này phát triển quân đội một cách mạnh mẽ là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ký một dự luật tăng chi tiêu quốc phòng cũng như tăng quy mô của quân đội thêm 50.000 người từ mức 100.000 người hiện nay. Mức tăng chi tiêu quốc phòng được đưa ra là đến năm 2030 sẽ chiếm đến 2,5% GDP của Ba Lan. Dự luật còn bao gồm việc thiết lập một lực lượng dân quân tình nguyện mới với quân số lên tới 50.000 người, đài truyền hình quốc gia Ba Lan Polskie Radio hồi đầu tuần đưa tin.
Hầu hết các quốc gia thành viên NATO vẫn chưa thực hiện cam kết tăng chi tiêu quốc phòng ít nhất ở mức 2% GDP của họ. Trong số 28 nước thành viên của NATO, chỉ có Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan và Estonia hiện tại đã hoàn thành cam kết nói trên.
Dự luật quân sự của Ba Lan là một trong số ít những dự luật hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của các đảng ở Ba Lan.
“Quân đội Ba Lan trong 10 năm tới sẽ đạt được năng lực có thể ngăn chặn mọi đối thủ”, Bộ trưởng Quốc phòng Antoni Macierewicz đã phát biểu như vậy hồi cuối tuần, ám chỉ đến các điều khoản trong dự luật vừa được thông qua.
Ba Lan cùng với 3 nước Baltic gồm Lithuania, Latvia, Estonia là những nước thành viên NATO nằm gần biên giới với Nga. Những nước này đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự của mình cũng như kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ của họ vì cái gọi là mối đe dọa mang tên Nga.
Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng nổ, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO. Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga và Ba Lan vì thế đã sứt mẻ một cách nghiêm trọng và rất khó phục hồi khi mà Warsaw quyết liệt theo đuổi chính sách chống Moscow.
Động thái tăng chi tiêu quốc phòng và mở rộng lực lượng quân đội của Ba Lan diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc