Tên lửa Tomahawk sẽ gây ác mộng trên đất Triều Tiên?

11:07, 25/10/2017
|

(VnMedia) - Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang đối đầu với nhau trong một cuộc khẩu chiến gay gắt chưa từng có với những lời đe dọa hủy diệt nhau liên tục được ném ra. Trong khi những lời đe dọa đáng sợ trên và thỉnh thoảng có cả những lời công kích mang tính cá nhân không giống với một lời tuyên bố chiến tranh nhưng những bài học rút ra từ thời gian cầm quyền vừa rồi của Tổng thống Trump với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ cho thấy ông này có thể tấn công Triều Tiên mà không cần thông báo với Quốc hội hay người dân Mỹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật Mỹ quy định, Tổng thống cần phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội mới được tiến hành một hành động quân sự nhằm vào một nước bên ngoài. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã từng lách luật trên mà không bị hề hấn gì. Vụ việc xảy ra vào tháng Tư khi có tin chiến đấu cơ của Syria thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào một thị trấn nằm trong quyền kiểm soát của phe nổi dậy ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Bất chấp việc cả chính quyền Syria và Nga đều phủ nhận sự liên quan đến cuộc tấn công nói trên, Tổng thống Trump trong chưa đầy 72 giờ đồng hồ đã ra lệnh cho quân đội bắn ồ ạt tên lửa Tomahawk từ các tàu chiến của Hải quân Mỹ nhằm vào mục tiêu là một căn cứ không quân của chính quyền Syria. Mệnh lệnh này được đưa ra mà chưa hề nhận được sự cho phép của Quốc hội.

Cuộc tấn công bất ngờ của Mỹ vào Syria đã khiến cộng đồng quốc tế sốc đồng thời làm dấy lên quan ngại sâu sắc về khả năng Tổng thống Trump tiếp tục phát động các cuộc tấn công vào những nước bên ngoài mà không thực hiện đúng thủ tục pháp lý theo luật Mỹ quy định. Nhiều vấn đề xoay quanh cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ vào Syria đến nay vẫn chưa được giải đáp kể từ đó. Còn nhớ, vài giờ sau cuộc tấn công hồi tháng Tư nhằm vào Syria, Tổng thống Trump cũng công khai đe dọa sẽ có hành động tương tự với Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng áp dụng phương pháp tiếp cận cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng những lời đe dọa, cảnh báo quân sự gia tăng ở mức chưa từng có.

"Những hành động đó thật sự gây lo ngại. Nó đã vượt qua cả hành động vi phạm luật pháp quốc tế mà đang đi đến viễn cảnh mà Liên Hợp Quốc đang ra sức ngăn chặn", bà Leila Sadat – Giáo sư về Luật Hình sự Quốc tế của James Carr đồng thời là Giám đốc Viện Luật Thế giới Whitney R. Harris ở trường Đại học Washington, đã nhận định như vậy trên tờ Newsweek.

Bà Sadat – người từng là một cố vấn đặc biệt về các tội ác chống lại loài người của Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế, cho rằng, sự can thiệp của Mỹ vào Syria có thể được biện minh là hành động vì các lý do nhận đạo nhưng dường như quyết định tấn công Syria dường như không được đưa ra theo cách như vậy. Ngoài ra, phạm vi tấn công hạn chế – xảy ra tại một đất nước mà lực lượng Mỹ đang có sự dính líu, đã giúp dập tắt những tiếng nói phản đối nhằm vào quyết định của ông Trump ở cả trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, một cuộc tấn công tương tự nhằm vào Triều Tiên có thể sẽ có những hậu quả chết người không thể tưởng tượng được và chưa từng có trong tiền lệ. Chủ tịch Kim – người lên cầm quyền sau cái chết của cha ông năm 2011, đã phát triển mạnh mẽ năng lực quân sự của đất nước Triều Tiên với mục đích nhằm ngăn chặn bất kỳ kế hoạch xâm lược nào của các nước bên ngoài. Ông Kim đã trực tiếp giám sát hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng Bảy và vụ thử bom H hồi đầu tháng trước cùng với hàng loạt vụ phóng tên lửa khác. Nếu Triều Tiên chưa thể thực hiện một cuộc tấn công vào Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân thì nước này cũng đang tiến ngày một nhanh đến mục tiêu đạt được năng lực này.

Trên suốt con đường dài phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, giới chức nước này luôn tung ra những lời đe dọa “đao to búa lớn” nhằm vào các kẻ thù của họ. Tuy nhiên, ông Trump có thể là nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ đáp trả bằng “thứ ngôn ngữ mà ông Kim Jong Un có thể hiểu".

Những gì đang diễn ra gây lo ngại về viễn cảnh ông Trump có thể tung đòn tấn công tương tự ở Syria nhằm vào Triều Tiên.

Kiệt Linh (theo Newsweek)


Ý kiến bạn đọc