(VnMedia) - Triều Tiên vừa gây rúng động thế giới bằng vụ thử hạt nhân thứ sáu cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay. Điều gây kinh ngạc hơn là vụ thử này được cho là nhằm trực tiếp vào Trung Quốc – đồng minh thân nhất cũng là đồng minh hỗ trợ nhiều nhất cho Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua.
Những hành động khiêu khích với cấp độ ngày càng tăng cao của Triều Tiên đã đặt đồng minh Trung Quốc của họ vào tình thế ngày càng bị ràng buộc nhiều hơn và đây có thể là một phần trong chiến lược của Bình Nhưỡng nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh phải sắp xếp các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Triều Tiên và Mỹ, giới phân tích đã nhận định như vậy.
Chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un trong những năm qua đã liên tiếp sử dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh hạt nhân để lôi kéo sự chú ý của Mỹ nhưng Bình Nhưỡng vẫn tìm cách tránh không gây khó xử nhiều cho Trung Quốc – đồng minh lớn duy nhất cũng là nguồn kinh tế chính của họ.
Tuy nhiên, vụ nổ bom H mà Triều Tiên thực hiện hôm Chủ nhật (3/9) đánh dấu lần thứ hai trong năm nay Chủ tịch 33 tuổi của Triều Tiên đưa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “lên sân khấu” ngay khi Nhà lãnh đạo này chuẩn bị chủ trì một cuộc họp quốc tế quan trọng được chuẩn bị kỹ càng.
Những hành động của Chủ tịch Kim chẳng khác nào phơi bày cho thế giới thấy rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tỏ ra bất lực đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc.
"Những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên đã đặt Trung Quốc vào tình thế ngày một khó khăn”, ông Shi Yinhong – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Renmin ở thủ đô Bắc Kinh, cho hay. Ông Shi cho biết Chủ tịch Kim – người chưa bao giờ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, đã trở nên “ngày một thù địch hơn với Trung Quốc” sau khi Bắc Kinh ủng hộ những đòn trừng phạt mạnh tay hơn của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Trung Quốc còn trực tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào đồng minh Triều Tiên. Diễn biến này rõ ràng đã khiến Chủ tịch Kim Jong Un có thêm động lực để gây áp lực với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Jean-Pierre Cabestan – một giáo sư về khoa học chính trị ở trường Đại học Baptist Hong Kong, nhận định.
Ông Kim có thể đang dùng Chủ tịch Tập Cận Bình để “có thể đàm phán trực tiếp được với Mỹ. Tuy nhiên, ông Kim phải thận trọng để không làm ông Tập Cận Bình tức giận bởi Trung Quốc vẫn là đường sống duy nhất của Nhà lãnh đạo Triều Tiên”, nhà phân tích Cabestan đã nói như vậy.
Vụ thử hạt nhân thứ sáu là vụ nổ hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Nó diễn ra đúng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hội nghị thượng đỉnh quan trọng của các nền kinh tế đang lên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Hội nghị diễn ra ở thành phố Xiamen nói trên là cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện mình là nhà lãnh đạo thế giới sáng suốt và rộng lượng. Tuy nhiên, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un lại “cướp mất” cơ hội trên, giống như hồi tháng Năm khi ông này thực hiện vụ phóng tên lửa khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rơi vào tình thế khó xử đúng lúc Nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ trì một hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn về thương mại.
Theo ông David Kelly – một chuyên gia của tổ chức China Policy ở Bắc Kinh, những biện pháp trừng phạt mới cùng với quyết định của Trung Quốc đưa ra hồi đầu năm nay về việc ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên có thể là nguyên do khiến Bình Nhưỡng ngày một trở nên thách thức hơn.
Áp lực mới nhất mà Triều Tiên gây ra với Trung Quốc cũng diễn ra đúng vào thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị chủ trì đại hội đảng quan trọng 5 năm một lần vào tháng tới.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc