Thái Lan "nín thở" chờ phán quyết cho cựu Thủ tướng xinh đẹp Yingluck

07:08, 25/08/2017
|

(VnMedia) - Hôm nay (25/8), theo dự kiến, tòa án ở Thái Lan sẽ ra phán quyết quyết định số phận của cựu Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra. Phán quyết này có thể sẽ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng ở Thái Lan và gây ra những hệ lụy sâu rộng ở vương quốc vốn từ lâu đã bị chia rẽ sâu sắc về chính trị.

Cựu Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra
Cựu Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra

Quân đội cho biết hơn 3.000 người ủng hộ bà Yingluck có thể xuất hiện tại tòa án trong ngày hôm nay và đây sẽ là một trong những cuộc tụ tập mang tính chính trị lớn nhất kể từ sau khi chính phủ của bà Yingluck bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2014.

Hàng ngàn cảnh sát sẽ được huy động đến thủ đô Bangkok trong một nỗ lực để ngăn chặn các loại vấn đề và sự việc không mong muốn nảy sinh sau khi tòa án ra phán quyết đối với nhà cựu lãnh đạo của họ. Bất ổn vốn là đặc điểm chính trên chính trường của đất nước Thái Lan trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Bà Yingluck bị cáo buộc lơ là trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành chương trình trợ cấp giá gạo trị giá hàng tỉ USD – một chương trình mà ở đó chính phủ mua gạo của người nông dân với giá cao hơn giá thị trường.

Chương trình trợ cấp giá gạo từng là cam kết trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck năm 2011 và nó đã giúp bà giành được sự ủng hộ to lớn của những người dân ở các vùng nông thôn. Theo chương trình này, những người nông dân đã được trả giá gạo gấp hai lần so với giá thị trường. Các đối thủ của bà Yingluck cáo buộc chương trình trên có đầy rẫy sự tham nhũng mà bà không hành động để chống lại. Chính phủ Thái Lan cũng cáo buộc chương trình trợ cấp giá gạo mà bà Yingluck thực thi đã dẫn đến những kho thóc gạo dồn ứ và bị mốc; bóp méo giá cả thế giới và khiến Thái Lan mất đi ngôi vương trên thị trường xuất khẩu gạo. Tổn thất ước tính lên tới 8 tỉ USD.

Những người chống đối bà Yingluck cho rằng, chương trình trợ cấp giá gạo là chủ ý của anh trai bà – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra với mục đích là nhằm để thu hút cử tri nông thôn. Chương trình trợ cấp giá gạo nhận được sự ủng hộ to lớn của các cử tri nông thôn – thành phần chiếm đến 40% lực lượng lao động, và chương trình này từng là xương sống của Đảng do bà Yingluck lãnh đạo.

Cựu Thủ tướng Yingluck phủ nhận bà không làm gì sai trái, khẳng định bà là nạn nhân của một âm mưu truy tố bà vì động cơ chính trị. Nếu bị kết tội, bà Yingluck sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm.

Các nhà hoạt động đối lập ở Thái Lan cho biết, một phán quyết cho rằng bà Yingluck có tội sẽ thổi bùng căng thẳng trên chính trường Thái Lan và có thể châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình nhằm thách thức chính phủ, đặc biệt ở khu vực phía bắc và đông bắc đất nước – nơi phần lớn người dân vẫn ủng hộ mạnh mẽ cho gia đình Shinawatra.

"Nếu bà Yingluck bị tuyên có tội, chắc chắn một số lực lượng nổi dậy sẽ có hành động. Có kế hoạch đốt lốp xe ở hơn 10 địa điểm ở Khon Kaen", một thủ lĩnh của phe áo đỏ ủng hộ gia đình Shinawatra ở thành phố đông bắc Khon Kaen cho biết.

Một nữ phát ngôn viên cho hay, bà Yingluck không đồng ý với lời đe dọa dùng bạo lực của vị thủ lĩnh giấu tên trên và đảng của bà lên tiếng kêu gọi bất kỳ sự ủng hộ nào dành cho cựu Thủ tướng đều nên được thể hiện một cách hòa bình.

Cựu Thủ tướng Yingluck đã có mặt ở ngôi nhà của bà ở thủ đô Bangkok từ hôm 23/8 và đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận phán quyết của tòa, luật sư của bà Yingluck cho biết.

Cảnh sát đã thiết lập một loạt hàng rào chắn và một chốt chặn an ninh ngay bên ngoài Tòa án Tối cao – nơi phán quyết sẽ được đưa ra. Trong khi đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho hay, chính phủ muốn tránh phiền phức.

Thái Lan rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài đã hơn 10 năm. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ cuộc đối đầu gay gắt và không khoan nhượng giữa một bên là lực lượng áo vàng chống cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là lực lượng áo đỏ ủng hộ ông này cũng như các đồng minh của ông, bao gồm cả bà Yingluck.

Mặc dù ông Thaksin đã rời xa chính trường và đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 nhưng vị cựu chính khách này vẫn là một nhân vật đầy ảnh hưởng và quyền lực trên chính trường Thái Lan. Ông Thaksin là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan ngày nay. Trong khi cựu Thủ tướng Thaksin bị các tầng lớp hoàng gia, trung lưu và thành thị ghét cay ghét đắng thì ông này lại rất được lòng người dân ở các vùng nông thôn. Nhờ một loạt chính sách dân túy làm lợi cho người dân nghèo, người dân nông thôn, ông Thaksin đã xây dựng cho mình một lực lượng ủng hộ rộng khắp, chiếm đa số trong dân chúng Thái Lan. Đó là lý do khiến ông cùng với các đồng minh của mình giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử được tổ chức kể từ năm 2001 đến giờ. Tuy nhiên, mỗi lần một chính phủ thân Thaksin lên cầm quyền thì sớm muộn đều bị lực lượng áo vàng lật đổ bằng cách này hay cách khác. Chính phủ của bà Yingluck cũng chịu chung số phận tương tự.

Theo nhận định của giới phân tích, một phán quyết có lợi cho bà Yingluck sẽ giúp khôi phục lại vị thế và sức mạnh của Đảng Puea Thai thân Shinawatras và điều này có thể đem lại triển vọng tươi sáng cho đảng trong cuộc bầu cử vào năm sau. Ngược lại, phán quyết có tội sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của bà Yingluck, giáng một đòn nặng nề vào gia đình Shinawatras và những người trung thành với họ đồng thời khoét sâu thêm mâu thuẫn chính trị mà quân đội từng cam kết sẽ nỗ lực tìm cách hàn gắn.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc