(VnMedia) - Mỹ có ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mới đây đã tuyên bố như vậy trong chuyến thăm đến Kiev. Washington cũng nhất trí cung cấp thêm cho Ukraine số thiết bị trị giá 175 triệu USD. Thông tin này chắc chắn sẽ khiến Moscow không tránh khỏi cảm giác lo ngại.
“Tôi đã nói rõ với họ rằng, về vấn đề vũ khí sát thương phục vụ cho mục đích phòng vệ, chúng tôi đang tích cực xem xét”, ông Mattis phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày hôm qua (24/8).
“Bây giờ tôi sẽ trở về sau khi đã đánh giá và xem xét tình hình hiện tại. Tôi có thể thông báo với Ngoại trưởng cũng như Tổng thống Mỹ về những điều kiện cụ thể để xúc tiến mọi việc theo hướng đó”, ông chủ Lầu Năm Góc cho biết, ám chỉ đến viễn cảnh Washington chấp nhận cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Bộ trưởng Mattis cũng cho hay, Washington gần đây đã quyết định cung cấp các trang thiết bị trị giá 175 triệu USD cho Ukraine. Theo lời ông Mattis, “chúng tôi vừa thông qua, rất gần đây, trong vài tuần qua, thêm một gói thiết bị trị giá 175 triệu USD, trong đó có một số thiết bị chuyên biệt có thể dùng cho mục đích bảo vệ đất nước. Như vậy, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine gần 750 triệu USD trong vài năm trở lại đây”.
Những phát biểu trên của ông Mattis đem lại hy vọng cho Ukraine trong bối cảnh nước này luôn mong muốn được các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí sát thương. Kiev trước đây nhiều lần thể hiện sự thất vọng trước việc chính quyền của Tổng thống Obama liên tiếp quay lưng lại với những đề nghị khẩn thiết của Ukraine về việc được cung cấp vũ khí sát thương.
Hồi tháng Sáu, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã thể hiện sự lạc quan về viễn cảnh Mỹ cuối cùng sẽ cung cấp “vũ khí phòng thủ” cho họ.
Moscow đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo rằng, việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi các bên không có bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang bạo lực ở Ukraine.
Giới chuyên gia cũng tin rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Nga-Ukraine và mối quan hệ Nga-Mỹ.
Hiểu rõ nguy cơ về việc có thể khiến Nga tức giận và có hành động trả đũa, chính quyền của Tổng thống Obama trước đây luôn né tránh việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền của Kiev.
Ngoài việc phát đi tín hiệu về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, Bộ trưởng Mattis còn cam kết sẽ ủng hộ Kiev trong vấn đề Crimea – bán đảo được sáp nhập vào Nga năm 2014.
“Mỹ sẽ sát cánh bên Ukraine trong mọi vấn đề”, ông Mattis nhấn mạnh khi nói đến vấn đề Crimea. “Chúng tôi đã và sẽ không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Bất chấp sự phủ nhận của Nga, chúng tôi biết rằng họ đang dùng vũ lực để tìm cách vẽ lại các đường biên giới, làm phương hại đến chủ quyền và tự do của các nước Châu Âu”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích.
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga - nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương, nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc