(VnMedia) - Thượng viện Mỹ hôm qua (27/7) đã thông qua dự luật trong đó có các biện pháp trừng phạt bóp nghẹt về tài chính nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên. Dự luật này sau đó đã được chuyển lên bàn của Tổng thống Donald Trump để chờ chữ ký cuối cùng mang tính quyết định của ông này sau nhiều tuần diễn ra các cuộc đàm phán căng thẳng. Diễn biến trên đã đẩy cơn giận của Nga ngày càng lên cao và Tổng thống Putin đã tung ra những lời chỉ trích gay gắt nhất.
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mới với số phiếu ủng hộ áp đảo là 98/2, chỉ hai ngày sau khi Hạ viện Mỹ vừa chấp thuận dự luật trừng phạt này với số phiếu ủng hộ cũng áp đảo không kém là 419/3. Sự ủng hộ mạnh mẽ của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ cho dự luật trừng phạt Nga đã đặt chính quyền của Tổng thống Donald Trump vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong bối cảnh Nhà Trắng vẫn còn do dự không rõ Nhà lãnh đạo Mỹ có ký dự luật này thành luật hay không.
Dự luật mới nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ cũng như vì sự can dự của Nga vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Syria.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hòa đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho hay, "trong suốt 8 tháng qua Nga đã phải trả cái giá gì cho việc tấn công cuộc bầu cử của chúng ta? Rất ít. Việc thông qua dự luật là quá chậm. Chúng ta sẽ không dung thứ cho những cuộc tấn công vào nền dân chủ của chúng ta”.
Có thể thấy, số lượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ phản đối dự luật trừng phạt Nga là rất mỏng.
Dự luật mới sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào một loạt thực thể của Nga – trong đó có ngành năng lượng, ngân hàng, các công ty, tập đoàn chế tạo vũ khí của Nga. Các cá nhân Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ thông qua hoạt động tấn công mạng cũng chịu sự trừng phạt.
Nếu Tổng thống Mỹ ký dự luật nói trên thành luật thì sau này việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được thực hiện bằng việc thông qua một dự luật khác. Chính quyền Mỹ sẽ không có quyền tự mình dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Không còn nghi ngờ gì nữa, nền tảng của dự luật mới là nhằm để ngăn chặn khả năng ông Trump tự mình ra quyết định nới lỏng hay dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cho Nga. Những điều khoản trong dự luật vừa được Hạ viện và Thượng viên Mỹ thông qua được đưa ra nhằm trấn an nỗi quan ngại của giới nghị sĩ Mỹ về viễn cảnh Tổng thống Trump vì muốn thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn với Tổng thống Putin có thể sẽ từ bỏ chính sách trừng phạt Nga mà không cần sự nhượng bộ trước từ điện Kremlin.
Tổng thống Trump trước đó từng thể hiện sự tức giận trước dự luật mới, nói rằng dự luật đó làm hạn chế quyền của Tổng thống trong việc ra các quyết định về chính sách đối ngoại cũng như các vấn đề an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, đối mặt với sự ủng hộ áp đảo của Thượng viện và Hạ viện dành cho dự luật trừng phạt Nga, ông chủ Nhà Trắng rõ ràng có ít sự lựa chọn ngoài việc phải đặt bút ký vào dự luật dù không muốn.
Giới chuyên gia có chung nhận định, sẽ không có ích cho bất kỳ tổng thống nào nếu phủ quyết một nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ đến như vậy từ Thượng viện và Hạ viện.
Tuy nhiên, việc ký dự luật đó sẽ đánh dấu một bước ngoặt thay đổi lớn trong lập trường của Tổng thống Trump. Ông Trump lâu nay vẫn tỏ ý hoài nghi về những cáo buộc của các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ theo hướng có lợi cho ông này. Ông Trump cũng lên án kịch liệt những cáo buộc cho rằng có sự thông đồng, bắt tay nhau giữa nhóm tranh cử của ông với Moscow.
Tổng thống Putin phẫn nộ, tung lời chỉ trích gay gắt
Khi dự luật mới được đặt lên bàn của Tổng thống Trump và gần như chắc chắn sẽ được ông Trump thông qua, Tổng thống Vladimir Putin đã không giấu nổi sự giận dự, lên tiếng chỉ trích những đòn trừng phạt mới của nhằm vào Nga là “cực kỳ bất nhẫn” đồng thời cáo buộc Washington đang dùng lợi thế chính trị cho các mục đích làm ăn riêng của nước Mỹ.
Nếu Mỹ thực thi những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, “sẽ thực sự là đáng tiếc bởi đây sẽ là một hành động cực kỳ bất nhẫn, bất chấp đạo lý và làm trầm trọng thêm tình hình”, ông Putin nhấn mạnh. “Đó là nỗ lực rõ ràng của Mỹ nhằm dùng những lợi thế địa chính trị trong cuộc cạnh tranh nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích kinh tế của riêng họ bằng cách đánh đổi lợi ích của các đồng minh khác”, ông chủ điện Kremlin nói thêm.
Theo lời Tổng thống Putin, hành động của Mỹ là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống quan hệ quốc tế.
“Chúng tôi không bao giờ đồng ý với điều đó và sẽ không bao giờ đồng ý. Về việc các nước khác phản ứng như thế nào với điều đó, nó sẽ phụ thuộc vào chủ quyền của họ và sự sẵn sàng của họ trong việc bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của riêng họ”, ông Putin nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Nga thẳng thừng cảnh báo, Moscow đã cạn kiệt sự kiên nhẫn với những hành động “khinh suất” của Washington và “sẽ phải đáp trả”.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc