Phẫn nộ với "sự ích kỷ" của Mỹ, EU khiến đồng minh đau đớn?

19:04, 27/07/2017
|

(VnMedia) - Brussels tức giận lên tiếng phản đối mạnh mẽ gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, nói rằng phương pháp tiếp cận “nước Mỹ là trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump không có nghĩa là các lợi ích của Liên minh Châu Âu (EU) bị đẩy về phía sau. Đức và Pháp – hai cường quốc mạnh hàng đầu của Châu Âu cũng bày tỏ sự phản đối đối với gói biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ đang nhăm nhe tung ra với Nga.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong một tuyên bố chứa đầy những lời lẽ gay gắt, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker chỉ trích kịch liệt Washington, nói rằng “nước Mỹ là trên hết không thể đồng nghĩa với việc lợi ích của Châu Âu phải xếp sau”. Ông này nói thêm rằng, Ủy ban Châu Âu “hôm nay đã kết luận rằng nếu những mối quan ngại của chúng tôi không được xem xét một cách đầy đủ thì chúng tôi sẵn sàng hành động một cách tương xứng chỉ trong vài ngày”. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc của EU gửi đến đồng minh Mỹ nếu Washington không quan tâm đến lợi ích của các công ty Châu Âu.

Cơ quan lập pháp của EU cũng có phản ứng, nói rằng những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vòa Nga “có thể ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng cho Châu Âu, ví dụ như việc bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống đường ống dẫn khí đốt ở Nga và trung chuyển qua Ukraine”, thông cáo báo chí của EU cho hay.

Dự luật trừng phạt của Mỹ cũng gây ra làn sóng phản đối ở thủ đô Berlin. "Dự luật này gây lo ngại không chỉ cho ngành công nghiệp của Đức… Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không nên trở thành công cụ để Mỹ theo đuổi chính sách công nghiệp chỉ phục vụ cho lợi ích của Mỹ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua (26/7).

“Theo ý kiến của chúng tôi, Mỹ không có quyền phán xét hay đưa ra các quy định liên quan đến mối quan hệ hợp tác của các công ty Châu Âu với các bên thứ ba, đặc biệt là với các công ty năng lượng của Nga”, ông Schaefer cho biết.

Phát biểu tại cùng một họp báo, phát ngôn viên chính phủ Đức Ulrike Demmer nói thêm rằng, Berlin tin là “ngành công nghiệp Châu Âu không nên trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của Mỹ”. Bà này nhấn mạnh, “sẽ là vô cùng quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và EU trong chính sách trừng phạt đối với Nga”.

Về phần mình, Pháp tuyên bố, các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ đang nhằm nhe tung vào Nga “đi ngược lại với luật quốc tế”. “Dự luật đó, nếu có hiệu lực, sẽ cho phép thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào những cá nhân, thực thể Châu Âu không có liên quan gì đến Mỹ”.

Luật của nước Pháp và EU cần phải điều chỉnh để đáp trả dự luật trừng phạt nói trên, một quan chức Pháp cho biết đồng thời nói thêm rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ được tổ chức ở cấp EU.

Giới chức EU đang thực sự lo ngại trước viễn cảnh Mỹ chính thức thông qua một dự luật, trong đó áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Dự luật này được cho là phớt lờ lợi ích của các công ty Châu Âu. Cụ thể, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga có thể gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn các công ty Châu Âu đang làm ăn hợp pháp theo các quy định của EU với các thực thể của Nga trong những ngành như ngành đường sắt, tài chính, tàu thủy, khai thác mỏ….

Không chỉ phản đối trên lời nói, giới chức EU đã chuẩn bị sẵn kịch bản để có thể đáp trả Mỹ. EU đã đặt lên bàn những sự lựa chọn khác nhau, bao gồm việc dùng đến “Đạo luật Ngăn chặn” (Blocking Statute) - một quy định của EU trong đó giới hạn việc thực thi các luật đặc quyền của Mỹ ở Châu Âu. Một số “biện pháp trả đũa theo quy định của WTO” cũng đang được xem xét. EU cảnh báo, dự luật trừng phạt Nga của Mỹ được xem xét dựa trên những cân nhắc, tính toán cho lợi ích của riêng Mỹ. Điều đó “có thể sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn, không chỉ với sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương/G7 mà còn đối với hàng loạt lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế của EU”.

Có thể nói, trong cuộc chiến trừng phạt lần này, Mỹ đang đối diện với sự phản đối kịch liệt và rất có thể là những đòn trả đũa mạnh mẽ từ không chỉ Nga mà cả đồng minh EU.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc