Hết giới hạn chịu đựng, Nga sẽ đáp trả Mỹ?

06:46, 27/07/2017
|

(VnMedia) - Moscow sẽ trả đũa Mỹ nếu nước này thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Moscow tin rằng, những biện pháp trừng phạt đó là vô nghĩa và chỉ gây phá hoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Những gì đang diễn ra đã thách thức lương tri và lợi ích chung. Tác giả và những người ủng hộ cho dự luật đó đã có một bước đi thực sự nghiêm trọng tiến tới việc phá hủy bất kỳ triển vọng nào cho việc khôi phục lại mối quan hệ với Nga”, ông Ryabkov hôm qua (26/7) đã phát biểu như vậy với báo giới, ám chỉ đến một dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua.

Với dự luật nói trên, giới chức Mỹ đang tìm cách áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới về kinh tế nhằm vào Triều Tiên, Iran và Nga. Dự luật này đã nhận được sự ủng hộ áp đảo trong Hạ viện Mỹ.

Nga tiếp tục trở thành đối tượng bị Mỹ trừng phạt vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ.

Bộ Ngoại giao Nga tin rằng dự luật mới sẽ được thông qua và việc Moscow trả đũa là điều không tránh khỏi, ông Ryabkov cảnh báo. “Chúng tôi đã nói với họ hàng chục lần rằng những hành động như vậy sẽ không thể được cho qua mà không có sự đáp trả”.

Cùng chia sẻ quan ngại với Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Thượng nghị sĩ Frants Klintsevich – Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Nga, cho rằng, lập trường của Washington đang lôi thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Theo ông Klintsevich, động thái của Mỹ “sẽ gây khó khăn cho bất kỳ mối quan hệ hợp tác Nga-Mỹ nào nếu có thể trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trong đó có cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”.

Dự luật mới của Mỹ cũng gây lo ngại ở Châu Âu. Chính phủ và giới doanh nghiệp ở các nước Châu Âu sợ rằng, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ, cụ thể là gây cản trở cho các dự án năng lượng chung giữa Nga và Châu Âu. Liên minh Châu Âu (EU) nghi ngờ hành động của Mỹ là vì động cơ muốn tiếp quản thị trường khí đốt tự nhiên của Châu Âu từ tay Nga, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của Mỹ.

Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga-Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng ở Syria, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bầu cử Mỹ, tấn công mạng, cắt giảm vũ khí hạt nhân...

Mỹ cùng các nước đồng minh phương Tây đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, gây tổn thất nặng nề cho Nga.

Tuy nhiên, với việc ông Donald Trump lên cầm quyền, nhiều người đã hy vọng vào một mối quan hệ được cải thiện giữa Nga và Mỹ bởi ông Trump được cho là có cái nhìn khá tích cực về Nga cũng như Tổng thống Putin. Cả Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đều liên tục phát đi những tín hiệu thể hiện mong muốn khôi phục lại quan hệ Nga-Mỹ. Thậm chí, Moscow sẵn sàng chờ đợi, không trả đũa một loạt động thái của Washington như vụ phong tỏa tài sản ngoại giao của họ ở Mỹ, chỉ để mở cơ hội cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, có vẻ như hai nhà lãnh đạo Putin và Trump "lực bất tòng tâm" bởi họ đã vấp phải rất nhiều chướng ngại vật trên con đường nỗ lực cải thiện quan hệ Nga-Mỹ - một trong những mối quan hệ quan trọng hàng đầu thế giới.

Những gì đang diễn ra ở Mỹ rõ ràng đã khiến Nga hoàn toàn thất vọng. Moscow dường như không còn kỳ vọng vào một tương lai khôi phục quan hệ với Washington dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Thay vào đó, Nga sẵn sàng "ăn miếng trả miếng" với Mỹ nếu nước này tiếp tục dồn ép Nga bằng những biện pháp trừng phạt.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc