Trung Quốc đối mặt với đối thủ mạnh bất ngờ ở Biển Đông

16:49, 28/07/2017
|

(VnMedia) - Anh có kế hoạch phái một chiến hạm đến Biển Đông vào năm sau để thực thi quyền tự do hàng hải, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon hôm qua (27/7) cho biết. Động thái này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson mới đây tuyên bố, hai tàu sân bay mới của Anh sẽ được phái đến Biển Đông.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson mới đây tuyên bố, hai tàu sân bay mới của Anh sẽ được phái đến Biển Đông.

Anh sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng lãnh hải Biển Đông sau khi phái 4 chiến đấu cơ đến tham gia cuộc tập trận chung với Nhật Bản trong khu vực hồi năm ngoái, ông Fallon thông báo.

"Chúng tôi hy vọng sẽ phái tàu chiến đến khu vực vào năm sau. Chúng tôi chưa hoàn tất kế hoạch chi tiết về hoạt động triển khai nhưng chúng tôi sẽ không để Trung Quốc ngăn cản khi thực hiện quyền đi qua khu vực Biển Đông. Chúng tôi có quyền tự do hàng hải và chúng tôi sẽ thực thi quyền này”, Bộ trưởng Quốc phòng Fallon thẳng thừng tuyên bố.

Sự hiện diện của một chiến hạm Anh có nguy cơ sẽ đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông – nơi đang chứng kiến các cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Những phát biểu trên được Bộ trưởng Quốc phòng Anh đưa ra sau khi Ngoại trưởng nước này – ông Boris Johnson tuyên bố hai tàu sân bay mới của Anh sẽ được phái đến Biển Đông. Ông Johnson không cho biết chính xác địa điểm mà hai chiếc tàu sân bay này sẽ được triển khai đến sau khi chúng được đưa vào hoạt động năm 2020 nhưng sự hiện diện của những chiến hạm có hỏa lực mạnh như vậy ở trong khu vực sẽ làm leo thang căng thẳng ở nơi vốn đã luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.

Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc