(VnMedia) - Cuộc gặp đầu tiên và cũng được trông chờ nhất trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã diễn ra hoàn toàn bất ngờ. Thay vì diễn ra trong không khí căng thẳng, đối đầu nhau gay gắt như nhiều người dự đoán trước đó, hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai cường quốc hàng đầu thế giới được cho là đã có “phản ứng hóa học tích cực” với nhau trong cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên và họ đều thể hiện mong muốn hướng tới tương lai, chứ không phải bám chặt lấy những mâu thuẫn, khó khăn trong quá khứ.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc họp báo thông báo về kết quả cuộc gặp lịch sử nói trên.
Cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trump ban đầu chỉ dự kiến diễn ra trong khoảng 30 phút nhưng nó đã kéo dài đến tận hơn 2 giờ đồng hồ. Điều này đã khiến Tổng thống Nga Putin phải lỡ hẹn với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Ngoại trưởng Tillerson nhận định, cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã cho thấy “một phản ứng hóa học và mối dây liên hệ rất tích cực và rõ ràng” giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov nhận xét, cuộc gặp song phương nói trên diễn ra trong không khí mang tính xây dựng.
Tất cả 4 chủ đề chính mà Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ bàn thảo đến đều là những thách thức đang ngáng trở quan hệ song phương giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khi đề cập đến mỗi vấn đề nhức nhối đó, cả hai nhà lãnh đạo đều tìm cách nhìn theo một hướng tích cực để tháo gỡ thay vì tranh cãi, đối đầu với nhau.
Tấn công mạng
Chủ đề đầu tiên mà Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đề cập đến chính là cáo buộc về việc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ hồi năm ngoái. Ông Trump đã nêu ra vấn đề và bày tỏ sự quan ngại. Đáp lại, ông Putin một lần nữa bác bỏ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ.
Trong khi Ngoại trưởng Tillerson cho rằng, việc ông Putin phủ nhận cáo buộc là một cản trở đối với việc đưa mối quan hệ Nga-Mỹ tiến lên phía trước thì Ngoại trưởng Lavrov lại thông tin rằng Tổng thống Trump đã chấp nhận lời bảo đảm của người đồng cấp Putin về việc Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Trừng phạt
Một trong những cái dằm gây nhức nhối khác trong quan hệ Nga-Mỹ chính là vấn đề trừng phạt. Phản ứng hóa học tích cực trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Putin đã giúp cho cuộc thảo luận về cuộc chiến trừng phạt bớt căng thẳng.
Chưa có lời hứa hẹn hay cam kết gì được đưa ra nhưng Tổng thống Nga và Mỹ đều thể hiện mong muốn “tập trung vào cách thức làm thế nào để chúng ta thúc đẩy quan hệ Nga-Mỹ tiến lên phía trước, bắt đầu từ đây”, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho hay.
Syria
Cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Trump đã chứng kiến Nga và Mỹ đạt được sự nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở phía nam Syria. Theo đó, lệnh ngừng bắn này sẽ được áp dụng từ 12h theo giờ địa phương từ ngày 9/7, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết. Đây là dấu hiệu tích cực đầu tiên về sự đồng thuận và khả năng hợp tác giữa Nga và Mỹ trên chiến trường Syria – một điều mà nhiều người trông chờ bởi chỉ có sự hợp tác của hai cường quốc này, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Syria mới sớm được giải quyết.
Nga và Mỹ đều cam kết bảo đảm thực thi nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, bắt đầu từ ngày 9/7 tới. An ninh ở khu vực tây nam Syria sẽ được bảo đảm bởi lực lượng quân cảnh Nga phối hợp với các lực lượng Mỹ và Jordan. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho rằng, sự phối hợp này sẽ là “minh chứng về thành công đầu tiên” trong hợp tác Nga-Mỹ và hai nước hy vọng sẽ tiếp tục xu hướng này ở các nơi khác.
Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukrainian cũng trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa hai ông Putin và Trump.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã nhất trí tạo ra một kênh giữa đại diện hai nước để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine trên cơ sở các thỏa thuận Minsk đồng thời tận dụng mọi cơ hội để đạt được mục tiêu này.
Nga mong chờ Đại sứ mới của Mỹ tại Ukraine đến Moscow trong tương lai gần để hai bên có thể thảo luận và tham vấn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc