(VnMedia) - Hai chiếc máy bay ném bom có khả năng chở đến 70 tấn vũ khí của Mỹ - B-1B Lancer đã bay lượn trên bầu trời ở khu vực Biển Đông, Lực lượng Không quân Mỹ hôm nay (7/7) cho biết. Hành động này của Mỹ là nhằm để thể hiện nơi mà máy bay của họ hoạt động là vùng lãnh hải và không phận quốc tế bất chấp đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực đường biển sôi động này. Như vậy, Mỹ tiếp tục thách thức đòi hỏi chủ quyền không chính đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuyến bay từ Guam đến Biển Đông của hai máy bay ném bom Mỹ diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Đức. Hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ thảo luận về nội dung Bắc Kinh có thể làm gì để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trước chuyến bay nói trên, hai chiếc B-1B Lancers vừa có cuộc huấn luyện với lực lượng chiến đấu cơ của Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên lực lượng hai nước thực hiện một cuộc tập trận chung vào ban đêm.
Hai chiếc B-1B Lancer hồi tháng trước cũng đã bay qua Biển Đông. Trong khi đó, một chiến hạm của Mỹ hồi tháng Năm đã tiến hành tập trận ở khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý so với một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
B1-Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp cánh xòe do công ty Rockwell Mỹ nghiên cứu chế tạo từ những năm 70. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực, tốc độ bay tối đa lên đến 1.448 km/h, có khả năng mang tên lửa hành trình và tên lửa tấn công tầm ngắn. B1-B là dòng máy bay được cải tiến từ B1. Không quân Mỹ nhận định B1-B là máy bay ném bom chiến lược ưu việt về nhiều mặt như tốc độ, hành trình bay, và tải trọng bay cũng như khả năng ném bom tầm thấp chớp nhoáng.
B-1B có thể bay trên độ cao gần 6km với khoang bom chứa 35 tấn vũ khí để chờ đợi mệnh lệnh từ các đơn vị mặt đất. Nhờ mang được lượng vũ khí lớn, B-1B trở thành phương tiện không thể thay thế trong các hoạt động chiến sự quy mô lớn.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.
Mỹ chỉ trích kịch liệt các hoạt động xây dựng cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, lo ngại rằng đây là bước đi chuẩn bị để Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc