(VnMedia) - Việc Montenegro chuẩn bị gia nhập NATO được ví là một bàn thua ngay tại sân nhà của Nga. Tuy nhiên, Moscow đã có cơ hội “phản công” khi NATO tự vỡ trận trước Nga nhờ vào sự "giúp đỡ" từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hôm 25/5, tại Brussels của Bỉ đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO. Hội nghị này thu hút sự chú ý lớn của dư luận không chỉ bởi đây là lần đầu tiên có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà còn vì cuộc họp này là nơi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương phải giải quyết những thách thức to lớn, có ảnh hưởng đến sự tồn tại của họ.
Là liên minh quân sự lâu đời nhất, bền chặt nhất và cũng được đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay, NATO đang phải đối mặt với viễn cảnh có thể tan vỡ bất kỳ lúc nào bởi thành viên mạnh nhất của họ đang hoài nghi về sự tồn tại của liên minh.
Ngay từ khi còn đang tranh cử chức Tổng thống Mỹ, ông Trump đã khiến giới chức Châu Âu lo lắng, bất an khi miêu tả NATO là một tổ chức “lỗi thời”.
Với khẩu hiệu đang được giương cao hiện nay - “WeAreNATO”, NATO đang tìm cách chứng minh tầm quan trọng không thể thiếu của tổ chức này. Hôm 22/5, Trợ lý ngoại giao của Tổng thư ký NATO – ông Tacan Ildem đã phát biểu: “NATO có vai trò thiết yếu trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Châu Âu cũng như Bắc Mỹ trong suốt gần 70 năm qua. Trong thời kỳ bất ổn và khó đoán như hiện nay, một liên minh NATO mạnh mẽ là điều quan trọng hơn bao giờ hết”. Đây là thông điệp chính mà NATO đang muốn phát đi, đặc biệt với Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh NATO mới nhất dường như đã không thành công trong việc thay đổi lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với liên minh quân sự này. Ông Trump đã không đưa ra bất kỳ lời cam kết nào đối với an ninh Châu Âu – điều mà NATO mong muốn, chờ đợi và đã tìm cách thức ép ông Trump suốt thời gian qua.
Ông Trump đã né tránh không đưa ra cam kết về phòng thủ chung, cụ thể hơn là cam kết với Điều 5 trong Hiến chương của NATO. Theo điều khoản này, NATO có nghĩa vụ phải bảo vệ các nước thành viên trong trường hợp họ bị tấn công. Đây là nền tảng và cơ sở để NATO tồn tại. Việc Tổng thống Trump không đưa ra lời cam kết với Điều 5 rõ ràng đã khiến nền tảng tồn tại của NATO lung lay thật sự. Thực tế này đã khiến các nhà lãnh đạo NATO không tránh khỏi cảm giác thất vọng.
Ông Ian Lesser – một chuyên gia của tổ chức tư vấn Quỹ Marshall của Đức ở Brussels cho biết, việc Mỹ không công khai đưa ra lời cam kết với Điều 5 về phòng thủ chung “là điều gây thất vọng to lớn đối với các nhà lãnh đạo NATO ".
Ông Ivo Daalder – một cựu Đại sứ Mỹ tại NATO nhận định, "Đó là một cú đấm mạnh vào liên minh. Sau khi miêu tả NATO là một tổ chức lỗi thời, ông Trump cần phải nói điều mà tất cả các người tiền nhiệm của ông từ thời ông Truman đều nói: Đó là – Mỹ cam kết với Điều 5”.
Không chỉ quay lưng với điều khoản về phòng thủ chung, Tổng thống Trump còn tiếp tục công khai chỉ trích các thành viên NATO về việc không chia sẻ gánh nặng tài chính.
Vấn đề chi tiêu quốc phòng được xem là một trong những thách thức lớn nhất của NATO hiện giờ. Giải quyết được vấn đề chi tiêu quốc phòng và chia sẻ gánh nặng công bằng giữa các thành viên là mấu chốt tháo gỡ những khúc mắc hiện nay giữa NATO với Mỹ. Tuy nhiên, cuộc họp thượng đỉnh NATO vừa rồi dường như đã không giải quyết được vấn đề trên. Các nước NATO cũng đã nói đến việc tăng chi tiêu quốc phòng nhưng không hề đưa ra một lời cam kết rõ ràng và cũng không bảo đảm họ sẽ đạt mức 2% GDP như quy định. Theo báo cáo hàng năm năm 2016 của NATO, chỉ có 5 nước thành viên trong tổng số 28 thành viên của liên minh đáp ứng đúng mức chi tiêu quốc phòng cam kết nói trên. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ nhiều hơn chi tiêu của tất cả các nước thành viên khác cộng lại.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ đòi hỏi liên minh NATO phải chia sẻ gánh nặng chi tiêu quân sự nhiều hơn. Thậm chí, ông Trump còn cảnh báo nghiêm khắc rằng Mỹ sẽ không tiếp tục bảo vệ NATO một cách vô điều kiện nếu các nước thành viên của liên minh không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu.
Những gì ông Trump thể hiện ở NATO cho thấy ông này vẫn tiếp tục hoài nghi về liên minh quân sự mạnh nhất thế giới hiện giờ. Điều này đã khiến các nhà lãnh đạo NATO sốc. Nó được xem là một đòn giáng mạnh vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và có thể coi đây là một chiến thắng dành riêng cho Nga trong bối cảnh NATO và Nga đang đối đầu nhau gay gắt.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc