Thăm dò ý kiến cho thấy, ứng cử viên trung dung Macron, 39 tuổi, đang dẫn trước ở khoảng cách khá xa so với ứng cử viên cực hữu Le Pen Đảng Mặt trận Quốc gia.
Khi chỉ còn 4 ngày nữa là đến vòng cuối của một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất ở Pháp 4 thập kỷ qua, ông Macron bỏ xa bà Le Pen tới 20 điểm. Lựa chọn ông Macron, vốn là một nhà đầu tư ngân hàng với tư tưởng ủng hộ Châu Âu, muốn cắt giảm các quy định của nhà nước trong nền kinh tế trong khi vẫn bảo vệ được công nhân, hay chọn bà Le Pen, một người nghi ngờ Châu Âu, muốn từ bỏ đồng tiền chung và áp đặt cắt giảm mạnh người nhập cư, sẽ ảnh hưởng đến tương lai không chỉ nước Pháp mà cả tương lai EU nói chung.
Trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, ông Macron dẫn trước chỉ 3 điểm so với bà Le Pen. Song ông được chờ đợi sẽ giành được số phiếu lớn của cử tri Đảng Xã hội và Đảng Trung hữu - hai đảng mà ứng cử viên của họ đã thua cuộc, nhưng đã cam kết ủng hộ ông Macron. Cho dù bà Le Pen phải rất nỗ lực mới có thể bắt kịp ông, song chiến dịch tranh cử đã có rất nhiều bất ngờ. Trao đổi giữa hai ứng cử viên vòng chót này ngày càng trở nên sắc sảo hơn và chính trị gia kỳ cựu 48 tuổi của Đảng Mặt trận Quốc gia cho thấy, bà vẫn có khả năng đuổi kịp ông với việc thể hiện thông minh sáng suốt hơn trong quan hệ công chúng. Dự kiến tới 20 triệu người xem truyền hình theo dõi cuộc tranh luận trong số 47 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu.
Ông Macron nói trước rằng ông không tấn công cá nhân đối thủ, dù chính sách của bà là nguy hiểm cho nước Pháp. “Tôi sẽ không dùng đến sự phỉ báng. Tôi sẽ dùng việc tranh luận trực tiếp để thể hiện rằng các ý tưởng của bà ấy sẽ đem lại giải pháp sai lầm” - ông nói với kênh BFM. Còn bà Le Pen mô tả ông Macron là một nhà ngân hàng đội lốt một người theo trường phái tự do. Reuters dẫn lời bà nói: “Chương trình của ông ta có vẻ rất mơ hồ, nhưng trên thực tế đó là sự tiếp tục đơn giản của chính phủ Tổng thống Francois Hollande đảng Xã hội”.
Trả lời Reuters, bà cũng tái khẳng định bà muốn đưa nước Pháp khỏi khu vực đồng euro, lấy lại đồng tiền quốc gia trong vòng 2 năm nữa.
Thăm dò của Hãng Cevipof công bố trên trang web của tờ Le Monde hôm 3.5 - cuộc thăm dò lớn cuối cùng trước bỏ phiếu vòng hai, cho thấy ông Macron giành được sự ủng hộ của 59% cử tri, trong khi 41% ủng hộ cho bà Le Pen, tương tự các kết quả thăm dò vài ngày qua. Cuộc thăm dò nói rằng 85% cử tri giờ đã chắc chắn họ sẽ bỏ phiếu cho ai, và như vậy là còn ít nhất 15% cử tri có thể bị xoay chuyển bởi những gì họ nghe thấy hoặc nhìn thấy trong cuộc tranh luận tối 3.5.
Các nhà bình luận nói rằng tranh luận vẫn có thể có ảnh hưởng. Một cựu bộ trưởng chính phủ nhận xét với Reuters: “Những gì Macron phải làm là thuyết phục những người không bỏ phiếu cho ông ấy trong vòng một, cũng như những người không đồng ý với chương trình của ông ấy, rằng họ sẽ được tôn trọng”. Ông Macron, vốn là một cựu bộ trưởng kinh tế trong chính phủ xã hội của Tổng thống Hollande, giờ đang đứng đầu một phong trào gọi là “En Marche!” (Tiến lên) mà giờ vẫn chưa có đại diện trong quốc hội. Giả sử ông thắng, một trong những thách thức ngay lập tức ông phải đối đầu là xây dựng một đa số trong quốc hội trong để các chương trình của ông được thông qua và tránh bị vô hiệu hóa bởi một quốc hội trong đó đối thủ nắm phần thắng.
Còn nếu bà Le Pen thắng vào chủ nhật tới nhưng không đảm bảo được đa số trong quốc hội, bà sẽ phải giải tán Quốc hội và kêu gọi bỏ phiếu sớm theo những quy định mới về đại diện theo tỉ lệ - trong trường hợp giả sử hệ thống bỏ phiếu mới được trưng cầu dân ý thông qua.
Những cử tri Cộng hòa trung hữu, hiện vẫn là một lực lượng quan trọng cho dù ứng cử viên tổng thống của họ là Francois Fillon đã thất bại trong vòng một, hy vọng rằng bầu cử quốc hội sẽ đem lại cho họ đủ quyền lực để buộc ông Macron phải thực hiện thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Francois Baroin, chính trị gia Cộng hòa, người tự cho mình có vai thủ tướng nếu ông Macron chấp nhận thỏa thuận như vậy, nói với Đài phát thanh RTL: “Macron là người của cánh tả và ông ấy nghiêng về cánh tả. Tôi sẽ bỏ phiếu cho Macron vào chủ nhật, nhưng nước Pháp không thể thực hiện cải cách nào với ông ấy”.
Theo laodong.com.vn
Ý kiến bạn đọc